Sau 25 năm tái lập tỉnh và 11 năm triển khai xây dựng NTM, với tinh thần, ý chí, sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong toàn Đảng bộ, diện mạo nông thôn ở Vĩnh Phúc đã được thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Tiếp đà thành tựu, vượt qua những khó khăn, trở ngại bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng NTM mới nâng cao, kiểu mẫu, đưa nông thôn trở thành vùng quê đáng sống.
Khi tái lập tỉnh, nông thôn Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn chưa được quan tâm đầu tư, hệ thống đường giao thông nông thôn cứng hóa mới đạt 2,1%, còn lại chủ yếu là đường đường đất; hệ thống lưới điện nông thôn xuống cấp; tỷ lệ trường học đạt chuẩn 0,42%, hệ thống y tế, cơ sở vật chất văn hóa chưa được đầu tư. Cùng với đó, nông thôn phát triển thiếu quy hoạch khiến cho kiến trúc cảnh quan làng quê bị pha tạp, lộn xộn, môi trường ô nhiễm; đời sống nhân dân ở mức thấp, giá trị GRDP bình quân đầu người năm 1997 chỉ đạt 2,18 triệu đồng/người/năm.
Năm 2011, tỉnh Vĩnh Phúc bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, chỉ có 14 xã đạt 10-14 tiêu chí, 80 xã đạt 5-9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 6,6 tiêu chí. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn. Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần, ý chí, sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, Vĩnh Phúc đã vươn lên từng ngày, nhanh chóng gặt hái thành quả từ công cuộc xây dựng NTM.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, bộ máy quản lý điều hành từ tỉnh đến cơ sở được thành lập và vận hành đồng bộ. Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã ban hành 85 Nghị quyết tạo các cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có 54 Nghị quyết liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng NTM. UBND tỉnh ban hành các quyết định nhằm cụ thể hóa các nghị quyết. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện chương trình một cách nghiêm túc, khoa học, sáng tạo, công khai, dân chủ, đi vào thực chất, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực tham gia của Nhân dân.
Sau chặng đường gần 11 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay, Vĩnh Phúc đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 4/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Kết quả thực hiện Chương trình đã góp phần làm cho khu vực nông thôn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực.
Xã Cao Phong, huyện Sông Lô là một minh chứng cho sự đổi thay sau gần 11 năm triển khai xây dựng NTM. Xuất phát điểm là xã thuần nông khó khăn với địa hình đồi gò, cơ sở vật chất nghèo nàn, không đồng bộ. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền xã, sự ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của huyện, đến nay, xã đã bứt phá, đứng đầu huyện về tỷ lệ giảm nghèo và trở thành một trong những điển hình tiên tiến của tỉnh về thực hiện chương trình xây dựng NTM. Hoàn thành chương trình xây dựng NTM, diện mạo của xã đã được thay đổi căn bản, cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư khang trang, trong đó nổi bật là đầu tư phát triển giao thông. Từ việc giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đất, đến nay 100% các tuyến đường ngõ, xóm của Cao Phong đã được cứng hóa giúp người dân đi lại, sản xuất, thông thương thuận tiện. Đặc biệt, từ năm 2020, khi xã bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, làng quê Cao Phong như được khoác áo mới với những tuyến đường hoa, đường tranh có mặt ở tất cả những ngõ xóm.
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt mang tính tổng thể về phát triển KT-XH của tỉnh cùng quyết tâm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, trong suốt 25 năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Bước ngoặt tạo ra sự đổi thay thực sự của bộ mặt nông thôn là từ khi tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Kế thừa kết quả từ thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU và Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bắt tay vào xây dựng NTM, Vĩnh Phúc đã huy động tối đa sự vào cuộc của người dân, tập trung nguồn lực để tạo nên một nông thôn hoàn toàn đổi mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và toàn diện. Hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn cơ bản được đầu tư, nâng cấp; mạng lưới điện quốc gia, thu phát sóng truyền hình, mạng Internet, công nghệ thông tin được phủ khắp đến 100% số xã trong tỉnh; hệ thống thủy lợi, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được kiên cố hóa; y tế, giáo dục được đầu tư có hệ thống. Đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 4,21 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,98%. Có thể nói, xây dựng NTM là chặng đường ghi nhiều dấu ấn, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc.
Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đã quan tâm dành nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác tuyền truyền nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong khu dân cư, nhờ vậy cảnh quan, môi trường nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét. Nhất là từ khi tỉnh triển khai chương trình xây rãnh thoát nước thải đã giúp giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do nước thải sinh hoạt và chăn nuôi. Cùng với đó, hoạt động trồng cây xanh, trồng hoa nơi công cộng và trong các gia đình đang trở thành phong trào rộng khắp các vùng quê, đã tạo ra những điếm nhấn trong cảnh quan khu vực nông thôn, làm nền tảng ban đầu để xây dựng và hình thành những “miền quê đáng sống”.
Xác định mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM, đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống. Tỉnh chỉ đạo các địa phương sau khi hoàn thành chương trình xây dựng NTM sẽ tiếp tục tiến lên xây dựng NTM nâng cao. Nên ngay sau khi tỉnh chỉ đạo 2 xã điểm là Tam Phúc và Liên Châu xây dựng thành công xã NTM nâng cao vào năm 2020, năm 2021, toàn tỉnh có 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao; 36 thôn đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát thời gian qua đã gây ra không ít khó khăn, thách thức cho các địa phương trong tỉnh, việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gặp nhiều trở ngại, nên tiến độ thực hiện một số tiêu chí ở hầu hết các địa phương đăng ký đạt chuẩn xã NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu năm 2021 đều chậm so với kế hoạch đề ra. Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhất là về nguồn vốn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành phụ trách tiêu chí NTM tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chương trình.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII là “Phấn đấu đên hết năm 2022, toàn bộ các huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hết năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”. Đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn tới cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hướng tới xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, để xây dựng NTM thông minh và đưa nông thôn trở thành miền quê đáng sống./.
Hà Giang