Trợ giúp pháp lý là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được hưởng trợ giúp pháp lý, trở thành chỗ dựa của người nghèo, gia đình chính sách khi có các vướng mắc tranh chấp pháp lý. Thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý như: Tư vấn, bào chữa, hòa giải, công tác trợ giúp pháp lý góp phần không nhỏ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh có nhiệm vụ Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với Cách mạng, người già, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, mỗi khi gặp vướng mắc về pháp lý, nhiều người dân thuộc diện hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số… trên địa bàn tỉnh đều tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh. Đối với họ, đây là một điểm tựa vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Mặc dù đã đến đúng cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nhưng hết lần này đến lần khác ông Phan Hữu Tứ ở thôn Thượng, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường vẫn bị từ chối tiếp nhận. Nếu như không được cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giúp đỡ thì có lẽ ông sẽ không thoát được cái vòng luẩn quẩn cứ cầm đơn đi lên cấp trên rồi lại về chính quyền địa phương mà vẫn không thể giải quyết được việc.
Cũng như ông Tứ, bà Nguyễn Thị Thưởng năm nay 88 tuổi ở thôn Thiện Kế, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên có phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất. Là người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tuổi cao lại ít có kiến thức về pháp luật, bà Thưởng từng đứng trước nguy cơ mất đi mảnh đất duy nhất để ở. Nhờ sự giới thiệu của cơ quan tiến hành tố tụng, bà Thưởng cùng với con trai tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Không chỉ được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục giấy tờ, bà Thưởng còn được Trung tâm cử trợ giúp viên tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà tại phiên tòa sơ thẩm.
Với phương châm “Hướng về cơ sở”, các trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã lặn lội đến nhiều vùng quê trên địa bàn để truyền thông, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân. Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thường xuyên cử trợ giúp viên xuống tận nơi để phối hợp với địa phương trực tiếp gặp mặt để tìm hiểu, sao chụp hồ sơ, xác minh rõ đối tượng được trợ giúp.
Có thể nói, hoạt động trợ giúp pháp lý được xem là một trong những chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như: người già, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em… mà còn góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Với vai trò và tầm quan trong đó, thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, nhằm phục vụ tốt yêu cầu này cho các đối tượng thuộc diện được Trợ giúp pháp lý.
Cùng với đó, Trung tâm luôn phối hợp với các cơ quan như: Tòa án, Công an để tìm hiểu, xác minh thông tin cùng tham gia bảo vệ quyền lợi một cách hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp. Chủ động cung cấp Bảng thông tin, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, hộp tin, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý cho cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý cho người dân trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được niềm tin đối với người dân. Chính vì vậy, số lượng người dân tìm đến trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều. Theo thống kê của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc thì nhu cầu cần được trợ giúp pháp lý của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, trung bình từ 10-20% qua các năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý hơn 200 vụ việc, trong đó lĩnh vực pháp luật hình sự là 182 vụ, lĩnh vực pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình là 46 vụ, pháp luật hành chính là hơn 2 vụ việc, còn lại là các vụ việc khác. Lĩnh vực pháp luật hình sự thường liên quan đến người nghèo và trẻ em và thông qua hình thức tham gia tố tụng. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.
Điều này giúp hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm có các nhìn toàn diện khách quan từ đó đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Thêm vào đó, thông qua hình thức trợ giúp pháp lý này còn giúp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng được trợ giúp, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về quy định của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các đương sự.
Tất cả các hoạt động trợ giúp pháp lý đều hướng đến mục tiêu chung bảo vệ tối đa quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội theo quy định, bảo đảm công bằng xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin của Nhân dân đối Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, song song đó, công tác Trợ giúp pháp lý vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên của trung tâm, công tác trợ giúp pháp lý sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm quyền con người, quyền công dân của Đảng và Nhà nước ta.
Mai Hương