Cập nhật: 25/12/2018 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực phạm vi được giao. Tuy nhiên, những bất cập trong việc xử lý vi phạm hành chính đang là một thực tế gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước. Để luật đi vào cuộc sống, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thì sự phối hợp chặt giữa các lực lượng thực thi pháp luật, sự quan tâm của các ngành địa phương, của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. 

Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Sau gần 5 thực hiện, Luật đã phát huy hiệu quả và đã khẳng định được vai trò của Luật trong đời sống kinh tế, chính trị, pháp lý của đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Đây là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn đời sống. Thông qua việc thi hành luật, trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm hành chính, qua đây cũng đánh giá được mức độ tuân thủ pháp luật thi hành quyết định tương đối cao, ý thức chấp hành luật của người dân cũng như cơ quan, người có thẩm quyền đã được nâng lên.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, sau 5 năm năm triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 280 nghìn vụ việc vi phạm và đã tiến hành xử phạt gần 270 nghìn vụ việc. Các vụ việc vi phạm xảy ra thì cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Đa số những đối tượng có hành vi vi phạm đều nhận thức được hành vi của mình và có ý thức chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính phổ biến là lĩnh vực thương mại, lĩnh vực giao thông đường bộ, an toàn thực phẩm, hoạt động khám, chữa bệnh; trốn thuế…

Công tác lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật cho người bị đề nghị. Sau khi ra quyết định, các cơ quan hữu quan đã kịp thời đưa đối tượng đi chấp hành biện pháp xử lý hành chính, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về ANTT của chính quyền địa phương và nhận được sự đồng tình của quần chúng nhân dân cũng như người bị xử lý và thân nhân gia đình họ. Theo thống kê, trong 5 năm thi hành Luật, toàn tỉnh có hơn 2700 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi VPHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Những hạn chế bất cập.

Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng thực hiện, nhiều hình thức vi phạm đã được xử phạt hành chính.Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Xử lý VPHC vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ quy định của Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, do sự thiếu đồng bộ và chưa thống nhất trong quy định, một số quy định của Luật Xử lý VPHC.

Trong năm 2018, lực lượng quản lý thị trường Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra hơn 1000 lượt vụ, xử phạt hành chính 1000 vụ, số tiền xử lý vi phạm hành chính lên đến hàng chục tỉ đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm lĩnh vực giá, vi phạm trong lĩnh vực ATTP... mặc dù số vụ phát hiện cũng như số tiền xử phạt rất lớn nhưng theo đánh giá của lực lượng quản lý thị trường trong việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến sức răn đe của Luật đối với đối tượng còn chưa cao.

Không chỉ trong lĩnh vực quản lý thị trường, qua kiểm tra tại các lĩnh vực và các địa bàn cho thấy nhiều vấn đề bất cập nổi lên cần được quan tâm giải quyết. Điển hình như những bất cập trong việc xử lý vi phạm đối với lĩnh vực quản lý trật tự đô thị là một ví dụ. Thời gian gần đây tình hình vi phạm trật tự đô thị đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, lực lượng chức năng liên tục ra quân dẹp trật tự và đã xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm. Nhưng sau khi lực lượng chức năng đi khỏi thì đâu lại vào đó. Tình hình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán gây mất trật tự đô thị vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục. Một trong những lý do được chỉ ra đó là một số quy định xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực này chưa được rõ ràng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, do thiếu đồng bộ và chưa có sự thống nhất trong quy định, cụ thể là một số quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 còn mâu thuẫn, chồng chéo chưa được hướng dẫn cụ thể nên ảnh hưởng đến việc xử lý trong thực tiễn. Đơn cử như lĩnh vực xử lý vi phạm an toàn giao thông.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát về thi hành luật xử lý vi phạm hành chính tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, Đoàn kiểm tra ghi nhận kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện luật xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, nổi lên một số bất cập cần quan tâm đó là vẫn còn tình trạng cơ quan thực thi pháp luật áp dụng các điều khoản xử phạt chưa đúng quy định so với thực tế vi phạm, số lượng vụ việc vi phạm bị xử phạt còn quá ít. Vẫn còn một số trường hợp nể nang né tránh dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Một bất cập khác trong xử lý vi phạm hành chính đó là số lượng vụ việc được xử phạt chủ yếu vẫn ở cấp huyện, thành phố, còn ở cấp phường, xã lại rất ít, trong khi luật xử lý vi phạm hành chính đã phân cấp cho chủ tịch UBND cấp phường xã có thẩm quyền xử phạt ở rất nhiều lĩnh vực như trật tự đô thị, môi trường, chấp hành các quy định về đất đai, văn hóa, giáo dục y tế. Thế nhưng kết quả lại đạt kết quả rất thấp dẫn đến hiệu quả tuyên truyền cũng như tác dụng răn đe ngăn ngừa những vi phạm lớn hơn chưa cao.

Từ những bất cập, để đảm bảo tính hiệu quả của luật trong việc áp dụng thi hành các biện pháp xử lý hành chính, thời gian tới tỉnh ta cần quan tâm, củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác xử lý VPHC tại các đơn vị, địa phương; các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ này, chế độ, chính sách, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí và trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xử lý VPHC. Đồng thời, các cấp, ngành cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn, khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành luật pháp.

Mai Hương

Tệp đính kèm