Ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực thi hành. Đây là một trong những đạo luật có tác động mạnh đến đông đảo người dân cũng như cơ quan và cơ sở kinh doanh rượu bia.
Luật phòng chống tác hại của rượu bia là một đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao. Với mục tiêu trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi thay đổi thói quen có hại, góp phần nâng cao thể chất tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Thông qua các biện pháp giảm mức tiêu thụ của rượu bia, quản lý việc cung cấp rượu bia và biện pháp giảm tác hại của rượu bia cũng như các quy định đối với cơ quan, tổ chức và gia đình đối với việc phòng chống tác hại của rượu bia.
Với tốc độ tăng trưởng 7% trở lên mỗi năm thì Việt Nam đang là Quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, mức độ tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Cũng theo số liệu báo cáo toàn cầu năm 2018 ghi nhận, mức tiêu thụ rượu bia bình quân trên người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8lit/ người năm 2005 và tăng lên 8,3 lít/ người năm 2018. Con số này cao hơn mức trung bình của Thế giới là 6,4 lít/ người. Với số lượng tiêu thụ như trên đã đưa Việt Nam xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/ người. Đáng chú ý là tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại. Không chỉ nam giới mà tình trạng nữ giới sử dụng rượu bia và đến mức nguy hại ở Việt Nam cũng tương đối cao. Trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2021 tại Việt Nam trong vòng 30 ngày, có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia. Bộ y tế cho biết rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hang đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia đã và đang gia tăng gánh nặng đối với nền kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, sau một thời gian chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng ngày 14/6/2019 tại kỳ họp thứ 7 quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia và ngày 28/6/2019, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố đối với Luật này với 7 Chương và 36 điều . Đây là văn bản luật quan trọng đã thể chế hóa các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm giảm hậu quả về sức khỏe, kinh tế, xã hội do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần quan trọng để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm đã đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo người dân.
Mai Hương