Trong những năm qua, tỉnh ta luôn xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do vậy tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật tại địa phương.
Xác định rõ việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân là một trong những biệp pháp hữu hiệu vừa để đưa pháp luật đến gần với người dân hơn vừa góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự, tạo đà để phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc liên tục đưa ra các Nghị quyết, các chiến lược dài hơi về tăng cường công tác tuyên truyền PBGD pháp luật cho người dân.
Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ra đời ngay sau Nghị quyết số 07/2010 cũng về nội dung này kết thúc. Điều này thể hiện rõ nét sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành trong công tác Tuyên truyền pháp luật. Sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp rà soát, kiện toàn hội đồng phối hợp PBGDPL, thành lập Ban chỉ đạo triển khai nghị quyết ở cấp tỉnh, đồng thời bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết. Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo, Sở Tư pháp đã tổ chức ký kết với các ngành là thành viên hội đồng phối hợp tuyên truyền PBGDPL tỉnh với các nội dung, hình thức và giải pháp cụ thể, bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân được hiệu quả thì nguồn lực thực hiện công tác Phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 300 báo cáo viên pháp luật, hơn 1800 tuyên truyên viên pháp luật và trên 14.300 hòa giải viên cơ sở. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để đáp ứng được yêu cầu công tác PBGDPL trong tình hình mới. Chính vì vậy, chất lượng của công tác tuyên truyền PBGDPL cho người dân thường xuyên được nâng cao.
Ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn lực PBGDPL, thì Hội đồng PBGDPL tỉnh còn luôn trú trọng đến hình thức, nội dung tuyên truyền. Thời gian gần đây, hình thức PBGDPL ngày càng phong phú, đa dạng và sáng tạo như: Thông qua các hội nghị, các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, thông qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, công tác hòa giải ở cơ sở, qua các phiên tòa xét xử lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật tại cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là thông qua các cuộc thi như Cuộc thi Hòa giải viên giỏi, cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, thi trực tuyến tìm hiểu về bộ luật Hình sự Việt Nam... thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia, góp phần không nhỏ vào việc thành công của công tác tuyên truyền PBGDPL.
Cùng với việc đổi mới về hình thức tuyên truyền thì đối tượng được phổ biến giáo dục pháp luật cũng đã được phủ rộng, đa dạng tới nhiều đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động trong doanh nghiệp, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, người dân tộc miền núi. Từ đó đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
Từ khi nghị quyết 209 của HĐND tỉnh ra đời đến nay, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, phong phú về nội dung đa dạng về hình thức. Nhiều đơn vị địa phương đã nghiên cứu đổi mới sáng tạo để công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trở nên gần gũi hơn, thiết thực hơn với đời sống xã hội.
Thực tế, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. thông qua việc tuyên truyền này sẽ giúp người dân hiểu và thực hiện nghiêm theo Hiến pháp và pháp luật.
Xã Hương Sơn huyện Bình Xuyên là một trong những địa phương thực hiện khá tốt nghị quyết 209 của Hội đồng nhân tỉnh về tăng cường PBGDPL cho người dân. Địa phương đã có nhiều hình thức để đưa kiến thức pháp luật đến được với người dân một cách hiệu quả nhất. Cụ thể như thông qua mô hình tủ sách pháp luật bằng việc thường xuyên cập nhật và bổ sung những sách pháp luật mới nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân. Ngoài ra, địa phương cũng duy trì tốt chế độ cung cấp thông tin định kỳ cho người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trực tiếp đi đến từng hộ dân để phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới của đảng và nhà nước. Những cuộc tuyên truyền đều trú trọng lồng ghép các văn bản có liên quan, các vụ việc mang tính thời sự nhằm giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp thu và thực hiện một cách nghiêm túc.
Nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tôc thiểu số vùng sâu, vùng xa cũng là nột nội dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng được đề cập đến trong nghị quyết 209 của HĐND. Thời gian qua, công tác này luôn được cấp ủy Đảng chính quyền các huyện miền núi của tỉnh chú trọng để người dân những vùng này có thể tránh xa các tệ nạn xã hội và kẻ xấu lôi kéo làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh trên địa bàn.
Với nhiều hình thức tuyên truyền như kết hợp tuyên truyền từng thôn bản và huy động sự vào cuộc mạnh mẽ kịp thời của già làng trưởng bản, người có uy tín. Gắn trách nhiệm cho từng ban ngành, đoàn thể thường xuyên bám nắm địa bàn, các địa điểm phức tạp về an ninh trật tự để tuyên truyền phổ biến pháp luật. Bằng cách làm này từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.
Nhìn chung trong 3 năm qua, việc triển khai Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND đã đạt nhiều kết quả tốt.Hy vọng rằng, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân./.
Mai Hương