Với quan điểm xây dựng nông thôn mới đảm bảo cả lượng và chất, thời gian qua nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Qua đó, làm thay đổi tích cực diện mạo những vùng quê nông thôn mới ngày càng trù phú.
Nông thôn giàu có
Tận dụng lợi thế đất phù sa thích hợp cho việc phát triển các loại cây ăn quả, ông Nguyễn Đức Quân ở thôn Trung Giang, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo diện tích đất nông nghiệp của gia đình để trồng các loại cây ăn quả cho năng suất, chất lượng cao. Đến nay, trên diện tích gần 6ha đất nông nghiệp, các loại cây ăn quả như bưởi, mít, nhãn đã cho thu hoạch, mang về thu nhập bình quân cho gia đình từ 300 đến 400 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Sỹ ở thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ông Sỹ luôn trăn trở làm sao để tìm hướng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Gia đình ông đã trải qua rất nhiều ngành nghề, không ngừng tìm hiểu, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Khởi nghiệp với mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng khá thành công, có vốn trong tay, ông Sỹ đã tiếp tục chuyển hướng sang trồng cây dược liệu vì ông thấy cây ba kích khá phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương.
Năm 2015, ông bàn với gia đình mua lại khu vườn đồi trồng vải cằn cỗi, kém hiệu quả của người dân địa phương và cải tạo lại trồng cây ba kích tím với diện tích khoảng 1.000m2. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên số lượng ba kích bị hỏng khoảng 30%. Tuy nhiên, bản thân ông Sỹ không từ bỏ, tiếp tục vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ những gia đình trồng ba kích tím có hiệu quả ở các vùng lân cận; đồng thời nghiên cứu, tham khảo tài liệu để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào cây trồng. Sau 2 năm, việc ươm trồng của gia đình mới bắt đầu hiệu quả. Ngoài thu nhập từ bán cây giống được hơn 100 triệu đồng, lứa ba kích trồng đầu tiên của gia đình ông cho thu hoạch củ với giá 150.000 đồng/kg.
Sau bước đầu thành công, ông Bùi Văn Sỹ đã tích cực vận động các hộ dân trong thôn, xã cùng thực hiện mô hình trồng cây dược liệu ba kích. Để khuyến khích các hộ dân, gia đình ông Sỹ đã ủng hộ hơn 3 vạn cây giống cho các hộ trị giá 40,8 triệu đồng và hỗ trợ các hộ dân về kỹ thuật, kinh nghiệm để chăm sóc cây dược liệu. Hiện nay mô hình trồng cây dược liệu ba kích trên địa bàn xã Bắc Bình có 44 hộ dân cùng làm theo để phát triển kinh tế với diện tích 8,8ha.
Những nông dân như anh Quân, ông Sỹ là minh chứng cho sự phát triển của những miền quê trù phú, nơi mà nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, hình thành những sản phẩm chủ lực của địa phương, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Làng quê tươi đẹp văn minh
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục không có điểm dừng, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân đã góp phần tạo dựng nên những miền quê đáng sống, đổi mới, tiến bộ cả trong nếp nghĩ, cách làm. Những con đường hoa rực rỡ, con đường bê tông trải dài, sạch sẽ, khang trang... là kết quả nỗ lực của người dân ở nhiều địa phương. Với mỗi người dân, giờ đây xây dựng nông thôn mới không còn là khái niệm xa lạ, mà đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của họ với sự trách nhiệm, tận tâm bằng những việc làm thiết thực, mà thành quả là chính họ được thụ hưởng.
Ai cũng biết tấc đất, tấc vàng, thế nhưng với anh Khổng Văn Đức Bình ở thôn Sơn Phục, xã Cao Phong, huyện Sông Lô lại sẵn sàng bỏ kinh phí mua lại hơn 315m2 đất để hiến cho thôn mở rộng Nhà văn hóa thôn cho phù hợp với quy chuẩn của Nhà văn hóa thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Việc làm ý nghĩa của gia đình anh Bình đã tạo sự lan tỏa cho người dân sinh sống trong thôn, góp phần đưa Cao Phong là xã nông thôn mới nâng cao với số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhiều nhất tỉnh vào cuối năm 2022.
Ngay sau khi thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch được chọn thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu, Hội CCB xã Đồng ích đã phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, Nhân dân tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình Làng văn hóa kiểu mẫu. Hội đã vận động hội viên thôn Hoàng Chung gương mẫu thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang, cắt tỉa đường hoa, hiến đất mở rộng đường giao thông bảo đảm phục vụ tốt cho việc đi lại của người dân. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường ngõ, xóm của thôn Hoàng Chung đã được mở rộng, đảm bảo diện tích theo quy định.
Cùng với làm điểm tại thôn Hoàng Chung, Hội CCB xã cũng đã triển khai thực hiện một số "Tuyến đường CCB tự quản”, tích cực phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự trong việc giữ gìn an ninh trật tự, tích cực phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vận động Nhân dân không để trẻ em tắm sông, suối khi không có người lớn đi cùng và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu cốt lõi chính là hạnh phúc của Nhân dân, người dân là người thụ hưởng và cảm nhận rõ nhất cuộc sống đổi mới từng ngày đang diễn ra ở những vùng quê nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang đến sức sống mới, diện mạo mới, sự chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá của mỗi làng quê. Đời sống người dân từng bước nâng cao, hạ tầng ngày càng khang trang sạch đẹp, tinh thần xây dựng NTM lan tỏa đến từng người dân để cùng chung tay xây dựng nhiều miền quê giàu đẹp và đáng sống.
Tạ Hương