Sự phân bố của các trường đại học không đồng đều, các trường cao đẳng sư phạm hoạt động không hiệu quả... là thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay. Đã đến lúc cần điều chỉnh mạng lưới, tái cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học nói chung cũng như các trường sư phạm nói riêng khi triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Phân bố không đồng đều
Thực hiện Luật Quy hoạch 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hoàn thiện Dự thảo báo cáo về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
Theo thống kê, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở GDĐH công lập (26 cơ sở GDĐH trực thuộc các địa phương); 67 cơ sở GDĐH ngoài công lập (5 cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài). Đồng thời, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, 17 trường trực thuộc các địa phương).
Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất là vùng Tây Nguyên (1,6%); trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%), đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).
Đánh giá của Bộ GD&ĐT cũng như các chuyên gia cho thấy, dù có sự gia tăng về số lượng cơ sở GDĐH nhưng hệ thống phát triển không đồng đều, vẫn còn nhiều cơ sở GDĐH quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả. Nhiều cơ sở GDĐH không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược phát triển của trường.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, mạng lưới cơ sở GDĐH hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước đối với các cơ sở GDĐH phân mảnh khi số lượng cơ sở GDĐH trực thuộc các bộ, ngành (không thuộc Bộ GD&ĐT) có tỉ lệ cao; số lượng các trường đại học địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo của các trường đại học địa phương chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.
Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh có nhiều trường đại học thành viên, trường thành viên, khoa thành viên và các viện nghiên cứu; 3 đại học vùng (Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên) cũng có nhiều trường đại học thành viên, trường thành viên, khoa thành viên và các viện nghiên cứu và trung tâm đào tạo từ xa; các trường đại học bao gồm các khoa và bộ môn trực thuộc.
Cả nước có 68 trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện đào tạo trình độ đại học. Cấu trúc hệ thống này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư và hoạt động của các cơ sở GDĐH, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học.
Nhiều bất cập trong hệ thống đào tạo sư phạm
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên (mạng lưới các trường sư phạm) có độ bao phủ cao, gắn với các vùng và địa phương, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Nhưng sự phân bổ chưa đồng đều, có sự tập trung của một số trường đại học sư phạm lớn tại các trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước; vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt. Hiện nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có 15 trường đại học sư phạm, bao gồm 6 trường đại học sư phạm, 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật.
Cả nước có 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên, 20 trường cao đẳng sư phạm, 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên. Sự phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên đã mở rộng cơ hội học tập ở bậc đại học và tiếp cận các chương trình đào tạo giáo viên cho người học thông qua việc tăng số lượng, quy mô và loại hình đào tạo. Các cơ sở đào tạo giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hầu như ở mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên (ngoại trừ Đăk Nông), đặc biệt tập trung nhiều ở một số thành phố lớn như Hà Nội (8 trường) và TP Hồ Chí Minh (6 trường).
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, sự phân bổ trường sư phạm quá dàn trải về địa lý, đều khắp vùng, miền, địa phương trong cả nước. Sự kết nối giữa các trường chưa thực sự tốt, không tạo thành mạng lưới thống nhất và phối hợp hiệu quả trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên giữa các ngành đào tạo và giữa trường theo vùng, miền không đồng đều. Hầu hết giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học tập trung tại trường sư phạm ở thành phố lớn, đặc biệt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trường sư phạm địa phương thiếu giảng viên đầu ngành có trình độ cao, nhưng thừa giảng viên trình độ trung bình và thấp
Cơ sở vật chất phần lớn trường sư phạm khó đáp ứng cho việc giảng dạy, đào tạo, nâng cao chất lượng. Nguồn tài chính hạn chế, chưa huy động được nguồn ngoài ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự bất cập giữa chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm với nhu cầu đào tạo giáo viên.
Từ năm 2013 - 2020, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Bộ GD&ĐT cho biết, mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên khá độc lập trong hoạt động đào tạo, chưa thật sự tạo thành một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo giáo viên toàn ngành.
Số lượng các trường cao đẳng sư phạm trong những năm gần đây giảm một phần do thực hiện Nghị quyết 19- NQ/TW về tinh giản đầu mối và biên chế, và thực hiện Luật Giáo dục 2019, yêu cầu trình độ của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được nâng lên đại học, do đó các trường cao đẳng chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, một số trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đa ngành hoặc sáp nhập với các trường cao đẳng địa phương.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT: Dự thảo báo cáo về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050 sẽ được trình Chính phủ vào tháng 12/2023. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia giáo dục theo vùng miền. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050 là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và phức tạp. Khi hoàn thành, Quy hoạch sẽ hoà nhập với những quy hoạch khác để làm nên một tổng thể quy hoạch chung của cả nước và phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây cũng là cơ hội cho các địa phương đưa ra những đề xuất để Nhà nước có căn cứ xem xét, định hướng tập trung đầu tư phát triển các cơ sở GDĐH và sư phạm trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở này phát triển theo mục tiêu đề ra. Đối với các bộ, ngành có các cơ sở GDĐH trực thuộc, căn cứ vào Quy hoạch này để nghiên cứu, xác định những nội dung đầu tư cần thiết, từ đó, có phương án quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực, bảo đảm các cơ sở GDĐH có đủ nguồn lực để phát triển ở tầm khu vực và thế giới.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh): Cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng và khai thác thị trường riêng, không có quy định chung đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.
Theo Lê Vân/Báo Tin tức - 03/12/2023
https://baotintuc.vn/giao-duc/can-tai-cau-truc-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-20231202111226341.htm