Cập nhật: 14/06/2024 09:14:00
Xem cỡ chữ

Tập 1 - Ba xã “làng văn” nức tiếng khoa bảng

Theo những tư liệu mà cuốn sách “Tam xã đăng khoa lục” ghi chép lại thì ba xã Kẻ Rưng xưa từng nức tiếng gần xa bởi nhiều người văn hay chữ tốt, ghi danh khoa bảng. Ba xã vốn hình thành từ các làng cổ: Văn Trưng, Vĩnh Trưng, Thế Trưng nên Thị trấn Tứ Trưng ngày nay được nhiều người biết đến với cái tên vừa truyền thống, vừa thân mật là Kẻ Rưng. Đây là vùng đất hiếu học, sản sinh nhiều anh tài, vinh hiển đỗ đạt ghi vào sử sách.

Cũng theo những gì sách ghi chép lại thì từ năm 1618 đến năm 1909 qua 76 khoa thi Hương và 19 khoa thi Hội, ghi lại Tứ Trưng có 451 người thi đỗ từ tam trường thi Hương đến tiến sĩ thi Hội. Trong đó có 104 người đỗ trung khoa và 3 người đỗ đại khoa. “Tại Kẻ Rưng, hầu như khoa thi nào cũng có người thi đỗ. Nhiều nhất là khoa thi Hương năm 1690 có một người đỗ Tứ trường và 15 người đỗ Tam trường, khoa thi Hương năm 1717 có 3 người đỗ Tứ trường và 12 người đỗ Tam trường”. Truyền thống hiếu học ấy cũng bởi từ xa xưa, người dân Kẻ Rưng đã dành ra những phần ruộng tốt nhất để đầu tư cho sự học. Tục lệ ấy vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Không biết tục lệ những dòng họ lớn được chia 1 yến thóc hoa lợi ruộng đất để làm công tác khuyến học có từ bao giờ, nhưng chắc chắn rằng ở đây sự học đã được đầu tư và xem trọng. Dòng họ Đỗ đứng thứ 3 trong 13 dòng họ của Kẻ Rưng có nhiều người đỗ đạt nhất. Với truyền thống hiếu học ấy nhiều gia đình ông, cha, con cháu nối tiếp thi đỗ. Riêng dòng họ Đỗ có cụ Đỗ Hi Thiều đỗ Tiến sĩ năm 1721, sau có 6 người con và 3 người cháu cũng đỗ đạt. Cũng bởi vậy mà công tác khuyến học- khuyến tài của dòng họ vẫn được chú trọng và tiếp nối cho đến ngày hôm nay.

Tại nhà thờ của cụ Đỗ Hi Thiều hiện nay vẫn còn câu đối:

Tứ chi mậu tộc dẫn thư hương

Tam giáp hồng danh lưu thế khoản

Dịch ra là:

Dòng tộc 4 cành xanh tốt trên sách thơm

Tam giáp tên sáng lưu sách đời

Và một tấm biển còn nguyên 4 chữ “Phong vận do tồn” - dịch nghĩa nơi mà những điều tốt đẹp tồn tại mãi. Theo lạc khoản trên tấm biển thì nó được khắc vào mùa Xuân năm 1848. Những câu đối, những tấm biển vẫn được các thế hệ con cháu cụ lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Qua đó, cũng để nhắc nhở con cháu về một thời huy hoàng của tổ tiên có được do sự học mà thành để từ đó phát huy những truyền thống ấy trong học tập.

Có thể khẳng định rằng, ở Kẻ Rưng có nhiều người đỗ đạt như vậy bởi vì từ xa xưa việc khuyến học luôn được quan tâm. Người xưa có cách động viên và giúp đỡ con em nhà nghèo đi học, lúc nào trong làng cũng có thầy giỏi ngồi dạy. Người đỗ đạt được trọng vọng, ngày hội làng được ngồi trong đình. Cũng qua tìm hiểu Ba xã Kẻ Rưng cùng thờ thành hoàng làng là Đông Kinh Phán Quan Đại vương Thượng đẳng phúc nhần, húy là Nguyễn Văn Nhượng và Công chúa nước Chiêm Thành (Lão Tiên Bà) tại đền Đức Ông. Một ngôi đền chứa nhiều huyền tích và có một giá trị lịch sử vô cùng quan trọng. Đối diện là Đình Tứ Trưng, được xây dựng từ sau khi vị thần Nguyễn Văn Nhượng mất. Phía trước sân đình có cây lộc vừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi đến 3 người ôm tỏa bóng mát xum xuê, khiến cho ngôi đình mang một vẻ thâm u tĩnh lặng, cổ kính.

Đình Tứ Trưng còn lưu giữ lại được một số hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hóa cổ như: Cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán, nói về một vị tên là Lão tiên bà, nguyên là Công chúa nước Chiêm Thành đã âm phù giúp đỡ vua Trần Thánh Tông khỏi bị mắc cạn trên sông Kỳ Giang (đoạn qua đầm Rưng hiện nay); 12 đạo sắc phong. Những đạo sắc phong ấy, những lời hay ý đẹp đó là sự ngợi ca và khẳng định về truyền thống hiếu học của vùng đất này.

Đền Đức Ông và Đình Tứ Trưng (đình Rưng) không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian.

Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, những năm qua, các thế hệ con cháu của thị trấn Tứ Trưng luôn đầu tư cho phát triển giáo dục. Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học tiếp tục được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Công tác khuyến học, khuyến tài được địa phương chú trọng phát triển.

Tiếp bước các bậc tiên hiền đi trước, các thế hệ con cháu của ba xã kẻ Rưng hôm nay luôn gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học, là động lực để các thế hệ mai sau cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Từ thực tế cho thấy rằng, những vùng đất từng vang danh khoa bảng một thời là những vùng đất ở đó sự học được coi trọng, là những vùng đất địa linh nhân kiệt. Nhìn từ truyền thống khuyến học - khuyến tài ở thị trấn Tứ Trưng, ta có thể thấy những giá trị tích cực mà nó mang lại cho dòng họ, cộng đồng và đất nước.

Qua việc gìn giữ và phát huy truyền thống này, chúng ta có thể xây dựng một xã hội học tập, đầy tri thức và nhân văn, từng bước đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về giáo dục và trí tuệ. Hy vọng rằng, các dòng họ sẽ luôn là những chiếc nôi khuyến khích việc học tập rèn luyện của các nhân tài, góp phần mang lại niềm tự hào cho địa phương và đóng góp cho sự phát triển của dân tộc.

Thùy Chung