Trong cuộc sống hiện đại, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, nhiều giá trị, chuẩn mực truyền thống cũng đã và đang thay đổi để phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Điều này thể hiện ngay trong cấu trúc của gia đình, khi ngày càng ít đi những gia đình nhiều thế hệ tam đại, tứ đại đồng đường. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng dần trở nên thiếu bền chặt… Xã hội càng phát triển thì càng đòi hỏi việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ hài hòa trong gia đình. Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình là việc làm cần thiết nhằm góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hiện nay, xu hướng con cái ra ở riêng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, có những gia đình vẫn lựa chọn sống chung nhiều thế hệ trong một ngôi nhà. Điển hình như gia đình cụ Đỗ Văn Nhuần, thôn Thụ Ích 4, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Gia đình cụ Nhuần với 3 thế hệ sinh sống dưới 1 mái nhà, cùng chung 1 bếp.
Mặc dù 3 thế hệ với những cách sống, suy nghĩ khác nhau nhưng các thành viên trong gia đình cụ Nhuần luôn biết cách ứng xử để giữ hòa khí, yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, các thành viên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tuy đã nghỉ hưu nhưng bản thân cụ Nhuần luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Đồng thời, cụ luôn răn dạy con cháu sống có ích cho xã hội.
Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là “trường học” đầu tiên giúp hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Quá trình hội nhập quốc tế cùng sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống của gia đình bị biến đổi phức tạp. Những điều này đã và đang xảy ra trong cuộc sống mà nguyên nhân cũng chính từ sự thiếu hiểu biết về văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, khi mỗi thành viên trong gia đình ý thức được bổn phận, trách nhiệm của mình, yêu thương, quan tâm mọi người, sử dụng lời nói, hành vi chuẩn mực trong giao tiếp sẽ mang đến niềm vui cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Việc giữ gìn và phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.
Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, những năm qua, công tác gia đình trên địa bàn xã Liên Châu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực vào cuộc. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng tới nhân dân, tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em.
Gia đình chị Phùng Thị Thu Hương ở thôn Nhật Chiêu 4 là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, song gia đình chị vẫn giữ được nền nếp, gia phong. Gia đình 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, vui vẻ, ông bà, cha mẹ quan tâm, dạy bảo con cháu những điều hay, lẽ phải; con cháu luôn yêu thương, hiếu thuận, quan tâm, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.
Xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng để xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc. Để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, mỗi cá nhân phải luôn ý thức về văn hóa ứng xử để nhân lên tình yêu thương, trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc trong gia đình. Kết quả bình xét gia đình văn hoá tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc luôn được giữ vững ổn định. Số hộ gia đình đạt GĐVH trên toàn xã đạt tỷ lệ trên 97%.
Tại xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, vợ chồng ông Đàm Hữu Duyệt và bà Phùng Thị Mơ cưới nhau đến nay đã hơn 50 năm, có với nhau 5 người con: 3 trai, 2 gái. Các con đều được ăn học đàng hoàng, trưởng thành, có công việc ổn định và đã lập gia đình. Hiện, gia đình ông bà có 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận và hạnh phúc dưới một mái nhà. Ông bà sống mẫu mực, con cháu biết kính trên, nhường dưới, chăm lo học hành, công tác tốt. Các thành viên đều ý thức được trách nhiệm của mình, đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, cùng xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đây cũng là động lực để gia đình tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống.
Gia đình ông Đàm Hữu Duyệt cũng là tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu trong nuôi dạy con cái thành đạt. Trong cuộc sống đời thường, các thành viên trong gia đình vẫn luôn giữ được “lửa” hạnh phúc, đoàn kết, yêu thương, thể hiện nét đẹp truyền thống gia đình, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Noi gương bố mẹ giữ nếp gia đình, các con của ông bà đều chăm ngoan, hiếu thuận.
Gia đình là tế bào của xã hội. Do đó, để xây dựng một xã hội hạnh phúc phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững sẽ góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn. Những năm qua, cấp ủy chính quyền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn tập trung lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xã phường triển khai thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng các hình thức đa dạng, phong phú. Hàng năm chỉ đạo các cấp chính quyền, địa phương phối hợp hướng dẫn, tiến hành bình chọn và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tổ chức khen thưởng các gia đình tiêu biểu để kịp thời động viên và nhân rộng mô hình “gia đình văn hóa” ở cơ sở.
Xây dựng và lan tỏa giá trị văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội có ý nghĩa thiết thực trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần đẩy lùi những hiện tượng phản cảm, tiêu cực. Trong đó giáo dục văn hóa ứng xử là tiền đề quan trọng, bởi lẽ gia đình là “tế bào” của xã hội. Để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa ứng xử nơi công cộng, nếp sống văn hóa trong cộng đồng để xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến tới xã hội hạnh phúc.
Thu Thủy