Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2024, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, Trung tâm Phát triển Công Thương đã tổ chức 3 điểm bán hàng Việt cố định trên địa bàn tỉnh. Các điểm bán hàng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững. Song song với đó, Sở Công Thương đã phối hợp với một số địa phương, doanh nghiệp tổ chức Hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng, với sự tham gia của hàng trăm gian hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc quảng bá cũng như tiếp cận sản phẩm Việt Nam chất lượng cao.
Siêu thị tiện ích H-Mart ở xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên là một trong ba điểm bán hàng Việt cố định được Trung tâm Phát triển Công Thương hỗ trợ trong năm 2024. Ngay ở vị trí mặt tiền cửa hàng có hệ thống bảng, biển nổi bật “Điểm bán hàng Việt Nam”. Trong cửa hàng cũng treo biển hiệu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được gắn trên tường giúp khách hàng vào mua sắm dễ dàng nhận biết. Ngay từ khi mở siêu thị mini, chủ siêu thị đã lựa chọn chủ yếu kinh doanh, đưa đến người tiêu dùng sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng. Tham gia điểm bán hàng Việt cố định, cửa hàng được hỗ trợ đầu tư hệ thống biển bảng, giá kệ trưng bày khoa học... càng tạo sức hút đối với khách hàng.
Các điểm bán hàng Việt cố định đã góp phần tạo tâm lí yên tâm, tin tưởng cho khách hàng khi đến mua sắm. Đây cũng là một kênh vừa phân phối sản phẩm vừa thông tin để người dân hiểu thêm về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.
Thông qua các điểm bán hàng Việt cố định đã giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội trao đổi thông tin xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Và để trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước đã tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng, đồng thời, không ít nhà sản xuất đã đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn: giảm giá các dịp lễ, Tết, tặng kèm sản phẩm khi mua hàng... Sự đa dạng về mặt hàng, phong phú về mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải tiến và có giá thành phù hợp là những ưu thế góp phần định hình trong người tiêu dùng thói quen mua sắm hàng Việt Nam và tin tưởng vào hàng hóa sản xuất trong nước.
Điều kiện để được lựa chọn, hỗ trợ là điểm bán hàng Việt cố định là các cửa hàng tạp hóa có tỉ lệ hàng Việt Nam chiếm hơn 90%, nằm ở vị trí trung tâm - nơi tập trung đông dân cư. Diện tích mỗi cửa hàng từ 100- 200m2; kinh doanh các nhóm hàng thiết yếu như: nông sản, dầu ăn, bột ngọt, mì chính, nước mắm, bột giặt, giày dép, quần áo may sẵn, giấy vở học sinh, hóa mĩ phẩm, đồ gia dụng và các mặt hàng tiêu dùng khác… Tại các điểm bán hàng Việt, hàng hóa trưng bày, kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lí và được phép lưu thông hợp pháp trên thị trường.
Thực tế cả 3 cửa hàng được triển khai tổ chức là điểm bán hàng Việt cố định năm 2024 trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn. Chủ các cửa hàng đều ý thức về trách nhiệm kinh doanh, phân phối hàng Việt đảm bảo chất lượng đến người tiêu dùng. Đây là một điểm bán hàng Việt cố định tại xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc. Tại đây, hàng hóa xuất xứ Việt Nam đều được chọn lựa từ những nhà sản xuất uy tín trong nước, trong đó có nhiều sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Thông qua đó, nhiều sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng tạo được uy tín đối với người tiêu dùng và trở thành thế mạnh trong sản xuất của tỉnh. Các điểm bán hàng Việt đều trong khu dân cư nên tạo thuận lớn cho người dân dễ dàng mua sắm.
Các điểm bán hàng Việt cố định đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao năng lực, ổn định thị trường, đặc biệt là đưa các sản phẩm hàng Việt có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đa dạng về chủng loại, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng; tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững, nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân. Sự hỗ trợ của ngành Công Thương đối với các điểm bán hàng Việt cố định cũng là sự đầu tư cho hệ thống phân phối; tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả tiêu thụ hàng Việt.
Song song triển khai tổ chức các điểm bán hàng Việt cố định, Sở Công Thương tổ chức các hội chợ kích cầu tiêu dùng. Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng Vĩnh Phúc 2024 được tổ chức tại huyện Yên Lạc trong 1 tuần từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 đã thu hút hơn 200 gian hàng tham gia, tạo không khí mua sắm sôi động, nhất là vào buổi tối và các ngày cuối tuần. Hội chợ thu hút hàng nghìn người dân đến tham quan, mua sắm. Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng Vĩnh Phúc 2024 với 50 gian hàng sản phẩm OCOP; hơn 100 gian hàng thương mại, tổng hợp và gần 100 gian hàng đồ gỗ, sinh vật cảnh, sản phẩm chế biến nông sản thực phẩm, dệt may, da dày, đồ gia dụng, trang sức, hóa mỹ phẩm… Ngoài ra còn có nhiều gian hàng ẩm thực, đặc sản nổi tiếng ở các vùng miền như “nước mắm Ba Làng”, đặc sản “Ô mai hàng Đường - Hà Nội”… cho thấy hiệu quả, sức hấp dẫn của hội chợ đối với tiểu thương, doanh nghiệp.
Với sự chỉ đạo, vào cuộc của chính quyền địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, hội chợ là cơ hội tốt để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường. Qua đó góp phần ổn định thị trường nội địa và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuyết Minh