Cập nhật: 29/08/2024 21:26:00
Xem cỡ chữ

Nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định là một trong những mục tiêu của các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, với mặt hàng nông sản, việc có “đầu ra” đúng mùa vụ, kịp thời, giá cả đảm bảo sẽ tạo nguồn lực để các chủ thể tái đầu tư, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình chuỗi liên kết giữa hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết bài toán cung - cầu và từng bước tạo sự phát triển bền vững.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thơ ở xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên là một trong những hộ tham gia chuỗi liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải và Công ty TNHH Hùng Long Tuấn. Trong đó, gia đình chị Thơ là hộ sản xuất trực tiếp; Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải hỗ trợ cung cấp giống, phân bón, kĩ thuật và bao tiêu sản phẩm; Công ty TNHH Hùng Long Tuấn là doanh nghiệp nhập và phân phối sản phẩm đến khách hàng. Tham gia chuỗi liên kết, gia đình chị Thơ phải tuân thủ các yêu cầu chăm sóc cây trồng, giám sát dịch bệnh, đảm bảo chất lượng, an toàn theo quy định của Hợp tác xã.

Thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGap và hướng hữu cơ trong chuỗi liên kết đòi hỏi các hộ sản xuất luôn cần chú ý chăm sóc cây trồng hằng ngày và sẽ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn, song việc tạo ra nông sản an toàn và có “đầu ra” ổn định giúp các hộ yên tâm sản xuất, hạn chế rủi ro về giá cả như khi “được mùa mất giá, được giá lại mất mùa”.

Tham gia chuỗi liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải hiện có 22 hộ thành viên, với tổng diện tích 36ha trồng rau màu các loại. Đối với Hợp tác xã, thực hiện mô hình chuỗi liên kết vừa tranh thủ được nguồn hỗ trợ theo các Đề án của tỉnh, của Trung ương vừa giúp giảm chi phí đầu tư đất đai, nhân công. Thông qua liên kết hợp đồng, Hợp tác xã sẽ kiểm soát được toàn bộ qui trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm, có nguồn cung ổn định, đa dạng, mang lại lợi ích cho cả Hợp tác xã và hộ sản xuất.

Hộ sản xuất tham gia chuỗi liên kết có thể gia tăng giá trị nông sản đến 1,5 lần so với trước đó. Hợp tác xã có nguồn nông sản ổn định về chất lượng, sản lượng, đa dạng về chủng loại theo mùa vụ. Còn đối với doanh nghiệp thu mua và phân phối sản phẩm đến khách hàng, tham gia chuỗi liên kết sản xuất với nguồn cung chất lượng, khẳng định uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Là đơn vị hiện cung cấp thực phẩm cho 20 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Hùng Long Tuấn cung ứng hơn 7 tấn rau củ quả đến các nhà trường. Yếu tố chất lượng sản phẩm được xác định là trách nhiệm xã hội và có ý nghĩa “sống - còn” với doanh nghiệp.

Hiệu quả thực tế từ một số chuỗi liên kết sản xuất cho thấy mô hình này đã phần nào giải quyết bài toán cung - cầu và là một xu thế tất yếu. Là đơn vị tiên phong tham gia sản xuất liên kết chuỗi trên địa bàn huyện Yên Lạc, Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối Nông sản sạch OFP đang thực hiện liên kết sản xuất 3 ha đất sản xuất rau trên địa bàn xã Liên Châu và xã Hồng Phương. Trung bình mỗi ngày, Công ty sản xuất và tiêu thụ 4 - 5 tạ rau các loại. Các sản phẩm của Công ty đã được người tiêu dùng trong tỉnh và nhiều tỉnh thành lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh đón nhận.

Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị cao. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường. Đây được xem là nguồn động lực thu hút doanh nghiệp, người sản xuất đầu tư vào nông nghiệp.

Gia đình ông Lê Công Chúc thôn Thượng, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường là hộ nuôi cá với kinh nghiệm gần 20 năm. Trải qua quá trình từ nuôi cá truyền thống trong ao nuôi nhỏ lẻ đến đầu tư phát triển nuôi cá thương phẩm với qui mô lớn, ông nhận thấy, với cách nuôi cá truyền thống sẽ khó phát triển kinh tế và làm giàu được. Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, gia đình ông Chúc quyết tâm chuyển sang phương thức nuôi cá thâm canh, đây là hình thức nuôi trồng thủy sản đòi hỏi các yếu tố về thức ăn, kĩ thuật nuôi và vệ sinh môi trường cao hơn với nuôi cá theo phương thức truyền thống, nhưng đảm bảo được năng suất, chất lượng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị” để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Trong đó, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với dự báo về thị trường đầu ra. Phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị nông sản của các địa phương.

Tuyết Minh