Vĩnh Phúc, vùng đất giàu truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường trong các cuộc kháng chiến, luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong suốt chặng đường 75 năm hình thành và phát triển, Vĩnh Phúc luôn có những đóng góp tự hào vào sự phát triển của đất nước; luôn tiên phong, đổi mới, sáng tạo bằng những chủ trương, chính sách mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc và no ấm, hạnh phúc của Nhân dân.
Vĩnh Phúc hôm nay đã và đang trở thành một trung tâm kinh tế năng động, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nguyện đoàn kết, không ngừng phấn đấu, nỗ lực khát vọng đi lên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 12/2/1950, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 03 về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của tỉnh. Vĩnh Phúc được ra đời đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả nước ngày càng khốc liệt.
Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện song song các nhiệm vụ, vừa chống địch càn quét, bình định, từng bước phát triển chiến tranh du kích và xây dựng căn cứ kháng chiến vùng địch hậu vừa xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cuộc kháng chiến.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Vĩnh Phúc đã đánh địch với trên 6.000 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận nổi tiếng đi vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam như: Chiến thắng Xuân Trạch, tháng 12/1950, trận núi Đanh tháng 1/1951. Đặc biệt, để chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, năm 1954, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã tổ chức lực lượng chiến đấu ở khắp các địa phương trong tỉnh, đồng thời, bổ sung hàng nghìn chiến sĩ cho các đơn vị chủ lực tập trung cho chiến dịch với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tạo nguồn sức mạnh cổ vũ tất cả các địa phương đứng lên tiêu diệt sinh lực địch để giải phóng đất đai. Ngày 8/10/1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc đã giành thắng lợi hoàn toàn. Miền Bắc, tạm thời bước ra khỏi cuộc chiến tranh, dồn sức tập trung phát triển kinh tế. Giai đoạn này, Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp với ý nghĩa là thí điểm và mở đường, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã vô cùng phấn khởi, tự hào, nhiều lần được đón chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm. Ngày 2/3/1963, trong buổi nói chuyện với gần 2 vạn cán bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tại khu bảo tàng tỉnh ngày nay Bác Hồ đã ân cần động viên, căn dặn.
Tư duy đột phá
Những tình cảm và lời căn dặn của Bác đã trở thành động lực, tinh thần to lớn để Đảng bộ, Nhân dân Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Giữa những năm 60 thế kỷ XX, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc tiếp tục có những tư duy đổi mới, sáng tạo đi trước thời gian. Cụ thể là ngày 10/9/1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã, thực hiện cơ chế khoán hộ đến người lao động.
Nghị quyết 68 ra đơi đã đưa đến “luồng sinh khí mới”, cách nghĩ và cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ trương “khoán hộ” là một hướng đi tích cực trong việc tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc, tháo gỡ những khó khăn, cản trở trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm”, không gắn lợi ích với kết quả lao động, tình trạng lãng phí nguồn lực và tiềm năng trong nông nghiệp.
Tuy thời gian triển khai Nghị quyết 68 không dài nhưng những kết quả mà chủ trương “khoán hộ” mang lại là vô cùng to lớn, đem lại hiệu quả lao động ngày càng cao. Tính đến cuối năm 1967, toàn tỉnh có 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt khoảng 222.000 tấn, tăng hơn năm trước đó 4.000 tấn. Nghị quyết chính là nền tảng để Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 năm 1981 và Nghị quyết số 10 năm 1988 làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.
Ngày 26/01/1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi hợp nhất, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phú nhanh chóng ổn định tình hình, đoàn kết và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh, đóng góp vào các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới. Vĩnh Phú đã có hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu, hàng ngàn người đã nằm lại chiến trường.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Nhân dân Vĩnh Phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh tiếp tục ra sức thi đua, lập nhiều thành tích mới trên mặt trận kinh tế xã hội. Đầu những năm 1980, Nhân dân Vĩnh Phúc đã thử nghiệm và nhân rộng thành công việc trồng cây ngô đông ở xã Hợp Thịnh, trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm có ý nghĩa quan trọng giúp cả nước khắc phục tình trạng thiếu lương thực, trầm trọng lúc bấy giờ.
Vững bước đi lên
Sau gần 30 năm hợp nhất từ 1968 đến 1996, ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh. Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 12 diễn ra từ ngày 5 - 7/11/1997 đã thông qua chủ trương thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế của tỉnh, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu sang cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Sự thay đổi mang tính chiến lược này đã đưa Vĩnh Phúc lên vị thế mới.
Chỉ ba năm sau khi tái lập tỉnh, giá trị sản xuất của tỉnh năm 2000 đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng hơn chín lần so với năm 1996, riêng giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 90%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 90% tổng giá trị ngành. Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông nhiều khó khăn đã trở thành thành viên câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng của cả nước. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, năm 2005, Vĩnh phúc đứng thứ sáu toàn quốc và đứng thứ hai miền Bắc về thu nội địa.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm chỉ đạo trong phát triển kinh tế giai đoạn 2001-2005, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2005-2010 đã đề ra chủ trương tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển của tỉnh, đồng thời, Đại hội đề ra chiến lược phát triển đô thị Vĩnh Phúc theo hướng văn minh, hiện đại và sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc đã đề ra những giải pháp đột phá nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế xã hội. Định hướng mang tính chiến lược đột phá này đã tạo nên những thành tựu quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao giai đoạn 2001-2010 đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân 16,5 %/năm.
Kinh tế bứt phá
Trong các kỳ Đại hội tiếp theo, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã xác định cụ thể những chủ trương, chính sách lớn để phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cơ cấu kinh tế tiếp tục tập trung theo hướng công nghiệp dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Vĩnh Phúc ngày nay tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, chưa từng có tiền lệ. Bản lĩnh, vững vàng trước giông bão, với sự nỗ lực, bền bỉ, vượt khó của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và Nhân dân, Vĩnh Phúc đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; an sinh xã hội được đảm bảo; anh ninh, quốc phòng được giữ vững, góp phần tạo thế và lực để Vĩnh Phúc vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực gắn với trách nhiệm; tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, đưa tốc độ tăng GRDP năm 2024 tăng 7,52% so với năm 2023, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tăng trưởng đều cả 3 khu vực kinh tế, trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 10,7%; lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,6%; các ngành dịch vụ tăng 7,8% và thuế sản phẩm tăng 3,0% so với năm 2023. Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành đạt khoảng 172-173 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140-141 triệu đồng/người/năm, tăng 8,0% so với năm 2023.
Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2024 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,4%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 31% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,6% trong cơ cấu tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Tổng thu ngân sách năm 2024 đạt trên 30.400 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt trên 25.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao.
Năm 2024 tỉnh thu hút đầu tư vốn FDI đạt 600 triệu USD, tăng 50% so với kế hoạch; thu hút vốn đầu tư DDI đạt 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển công nghiệp xanh, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc; chương trình mục tiêu Quốc gia xây dưng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện; văn hóa tiếp tục có bước phát triển; sự nghiệp giáo dục đào tạo được quan tâm. Ngày 18/10/2024 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2024-2025 nhận được sự đồng thuận, phấn khởi của Nhân dân.
Công tác y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, anh sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được chú trọng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2025 là năm cuối về đích hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Khó khăn không lùi bước, với tinh thần quyết tâm vượt khó, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực sẽ giúp kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc tăng trưởng và phát triển.
Hòa chung niềm vui của cả đất nước đang bước vào một mùa Xuân mới. Trong 95 năm có Đảng dẫn đường, 75 năm Đảng bộ tỉnh được thành lập, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay tự hào tiếp bước thế hệ cha anh để viết nên những trang sử mới. Trong thời đại kết nối toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chủ trương làm bạn với tất cả các nước trên thế giới và Vĩnh Phúc đã mở rộng hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa với hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ như: Lào, Campuchia Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Cả nước đang tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và Vĩnh Phúc đã sẵn sàng đi tới tương lai với những hoài bão, khát vọng vươn lên những tầm cao mới cùng đất nước Việt Nam hùng cường.
Lê Dũng