Cập nhật: 17/06/2025 20:32:00
Xem cỡ chữ

Bắt đầu từ tháng 6/2025, hàng loạt chính sách mới như: quy định hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; sắp sếp bộ máy Thanh tra và dừng cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy… sẽ có hiệu lực thi hành.

Hộ kinh doanh có doanh thu 1 tỉ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123 của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 về hóa đơn, chứng từ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2025.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo phương pháp khoán thuế mà có mức doanh thu hằng năm từ 1 tỉ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Quy định này cũng áp dụng đối với trường hợp người bán hàng có sử dụng máy tính tiền, doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như: ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí…

Chính thức dừng cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy

Theo công văn số 168/BHXH-QLT, ngày 26/3/2025 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tổ chức, sắp xếp các đơn vị đi vào hoạt động theo mô hình mới và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, Bảo hiểm xã hội các khu vực và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng phôi thẻ bảo hiểm y tế cũ đến hết ngày 31/5/2025.

Cũng theo công văn này, từ ngày 1/6/2025, đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế, yêu cầu cán bộ bảo hiểm xã hội trực tiếp hướng dẫn người tham gia cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID), ứng dụng định danh điện tử (VNeID) và hướng dẫn sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID, VNeID; căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ bảo hiểm y tế bản giấy. Chỉ thực hiện cấp mới thẻ bảo hiểm y tế giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chip.

Bổ sung hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ

Bắt đầu từ ngày 15/6/2025, Nghị định 93/2025 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2020 /NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Nghị định đã bổ sung hình thức kỷ luật bãi nhiệm áp dụng đối với cán bộ vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị 19/ 2020. Đơn cử vi phạm như: Không kịp thời sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm; Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...

Ngoài ra, Nghị định 93/2025/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về các trường hợp được xem xét để miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Các trường hợp được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất phát từ lỗi của đối tượng vi phạm hành chính; Người ban hành quyết định trong xử lý vi phạm hành chính tự kiểm tra, phát hiện có sai sót và đã thực hiện khắc phục sai sót theo quy định mà chưa gây ra hậu quả.

Mai Hương