Cập nhật: 21/04/2009 07:00:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng nay 20.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Sản phẩm nội: Vẫn ô nhiễm, tồn dư chất độc hại

 

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, hiện nay mỗi năm cả nước sản suất được 11,5 triệu tấn rau các loại. Tuy nhiên, việc kiểm soát sản phẩm này còn rất thấp. Tại  TP.HCM mới chỉ kiểm soát được 20 – 30% nhu cầu rau xanh của thành phố.

 

Tình trạng rau xanh bị ô nhiễm do vi sinh vật tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức độ cao. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau, quả tại TP Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TP.HCM trong quý III và IV năm 2008 cho thấy trong 76 mẫu rau thì có 40 mẫu nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,6%), 6 mẫu rau nhiễm Samonella (chiếm 7,9%). Số liệu trên cho thấy, môi trường đất và nước để trồng rau và cung ứng rau là không đảm bảo chất lượng.

 

Đáng lo ngại hơn, khi Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra rằng: “Tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau có chiều hướng tăng”. Ô nhiễm do tồn dư thuốc BVTV giai đoạn 2004 – 2006 là 4,9%, giai đoạn 2007 – 2008 tăng lên 5,72%. Kết quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả tại các chợ đầu mối, các siêu thị và vùng sản xuất tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận trong năm 2008 cho thấy trong 412 mẫu rau các loại được kiểm tra, đã phát hiện 48 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65%), có 1 mẫu có dư lượng thuốc BVTV cấm sử dụng là Endosunfal (chiếm 0,2%). Trong 99 mẫu quả được kiểm tra, có 15 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 15,15%).

 

Báo cáo giám sát cũng cho biết, một số hóa chất cấm sử dụng như Salbutamol và Clenbuterol vì có ảnh hướng tới sức khỏe nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt. Đoàn Giám sát khẳng định: “Tồn dư hóa chất trong sản phẩm thịt có chiều hướng tăng”. Cụ thể là, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thịt của  giai đoạn 2004 – 2006 là 3,91%, mức độ tồn dư này tăng lên 6,39% trong giai đoạn 2007 – 2008.

 

Thực phẩm nhập khẩu: kiểm tra chủ yếu dựa vào cảm quan

 

Đối với thực phẩm nhập khẩu, hàng nhập khẩu chính ngạch được quản lý tốt nhưng Đoàn giám sát quan ngại về việc kiểm soát đối với hàng nhập theo đường tiểu ngạch (nhập lậu). “Việc quản lý nhập khẩu qua đường tiểu ngạch; phát hiện, phòng ngừa chống buôn lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có giấy xác nhận chất lượng nhập khẩu của cơ quan kiểm tra nhà nước; nhập lậu động vật và sản phẩm động vật, hoa quả tươi không qua kiểm dịch còn xảy ra” – Đoàn giám sát nhấn mạnh.

 

Báo cáo của Hải quan TP.HCM cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ thì lượng thực phẩm nhập khẩu qua cảng biển Sài Gòn chiếm 80% thực phẩm nhập khẩu qua cảng biển cả nước, nhưng cơ quan này cũng chỉ kiểm tra được với các kho ngoại qua trên địa bàn thành phố. Đoàn giám sát đã khảo sát tại một số cửa khẩu, thực tế cho thấy, việc kiểm tra chất lượng VSATTP chủ yếu là dựa vào cảm quan, vì trang thiết bị để kiểm tra còn thiếu và lạc hậu.

 

Ở mặt hàng đồ uống, Đoàn giám sát đánh giá: “Sản xuất rượu thủ công vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (250 – 300 triệu lít/năm) và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại này”. Trong khi đó, việc kiểm soát hàm lượng methanol, Aldehyt trong rượu ở các cở sở chế biến này còn chưa tốt. Vì thế đã xảy ra nhiều trường hợp bị chết do ngộ độc rượu. Cụ thể là chỉ trong 20 ngày, từ 9.9 đến 29.10.2008, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 11 trường ca tử vong, trong tổng số 30 ca ngộ độc rượu.

 

 

Theo TN

Tệp đính kèm