Cập nhật: 23/04/2009 05:17:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 8.5 tới, Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR -Universal Periodic Review) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Geneva (Thụy Sĩ).

Đây là báo cáo quốc gia kiểm điểm việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam theo một cơ chế được áp dụng cho tất cả các nước thành viên của LHQ. Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, VN đã nộp báo cáo cho Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền đúng hạn vào 2.2.2009. Sau khi bảo vệ, báo cáo được thông qua ở cấp nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền và tháng 9.2009 sẽ được chính thức thông qua tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

 

Tại cuộc họp báo hôm qua, 21.4, ông Phạm Bình Minh đã trả lời báo chí về việc chuẩn bị của Việt Nam cho sự kiện này.

 

* Xin ông cho biết cơ chế này có mức độ ràng buộc như thế nào với các thành viên LHQ? Cho đến nay đã có bao nhiêu nước đăng ký đặt câu hỏi với VN trong phiên bảo vệ báo cáo?

 

- Đây là việc thực hiện một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, tất cả các quốc gia đều phải có báo cáo về tình hình nhân quyền ở quốc gia mình tại LHQ. Theo quy định, thì nghị quyết của Đại hội đồng LHQ có tính khuyến nghị, không ràng buộc. Các quốc gia thực hiện trên cơ sở tự nguyện theo quy định của LHQ. Việc đặt câu hỏi thường được thực hiện ngay tại phiên báo cáo, tuy nhiên cũng có trường hợp các câu hỏi được gửi tới trước khi báo cáo vài ngày. Hiện tại VN chưa nhận được chất vấn nào.

 

* Ông đánh giá thế nào về những khó khăn, thách thức của việc bảo vệ báo cáo?

 

- Cũng như các nước khác, đây là lần đầu tiên VN thực hiện báo cáo theo cơ chế này, trưởng đoàn nhiều nước mà tôi có trao đổi cho biết cũng rất lo lắng vì lần đầu tiên nêu vấn đề của nước mình tại LHQ và không biết các nước khác sẽ đặt câu hỏi như thế nào. Có rất nhiều vấn đề cần đề cập với một khối lượng thông tin lớn nhưng giới hạn báo cáo chỉ có 22 trang. Thách thức là cần phải nêu bật được những vấn đề, khái quát được đầy đủ bức tranh về tình hình nhân quyền VN một cách ngắn gọn. Bên cạnh đó VN cũng là mục tiêu chống phá của một số nước không thân thiện với chúng ta trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, đây là cơ hội để họ và nhất là các lực lượng tổ chức chống đối đưa ra những số liệu để bôi xấu VN.

 

URP Việt Nam được xây dựng trên những hướng dẫn chung quy định trong Quyết định số 6/102 ngày 27.9.2007 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và trên cơ sở tình hình thực tế ở VN. Báo cáo đề cập một cách toàn diện việc đảm bảo các quyền, từ dân sự, chính trị đến kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời nhấn mạnh đến những ưu tiên của VN trong việc bảo vệ và chăm lo cho phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người tàn tật.

 

* Những hạn chế nào trong vấn đề nhân quyền của VN mà ông cho rằng các nước “không thân thiện với VN trong vấn đề dân chủ, nhân quyền” sẽ chất vấn VN?

 

- Trong báo cáo này, VN đã rất thẳng thắn, nghiêm túc nêu những khó khăn thách thức của chúng ta, như về vấn đề pháp luật, pháp lý còn những bất cập, trình độ của cán bộ, kể cả trong lĩnh vực thúc đẩy những quyền của người dân, cho đến trình độ hiểu biết chung của người dân, VN còn nhiều hạn chế. Một số quốc gia có thể sẽ tập trung vào vấn đề pháp luật, sự chênh lệch giữa pháp luật VN và pháp luật quốc tế.

 

Giữa các nước phát triển và đang phát triển có nhiều sự khác biệt, hiện nay vẫn có cuộc đấu tranh rất lớn tại các diễn đàn quốc tế về quyền dân sự chính trị và quyền kinh tế xã hội. Các nước đang phát triển thì nhấn vào quyền kinh tế xã hội, các nước phát triển nhấn vào quyền dân sự chính trị. Đây cũng chính là điểm các nước sẽ xoáy vào chúng ta về việc thực hiện các quyền dân sự chính trị, trong đó có quyền về tự do chính kiến, tự do báo chí... Ngoài ra chúng tôi cũng dự kiến một số quốc gia luôn căn cứ vào thông tin của các tổ chức phi chính phủ và các lực lượng chống VN sẽ nêu ra một vài trường hợp cụ thể trong lĩnh vực nào đó, ví dụ về việc giam giữ người này, người kia. Tuy nhiên trong tất cả các lĩnh vực này, đoàn VN, với sự tham gia của các bộ ban ngành liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể trả lời một cách tốt nhất.

 

* Ông có thể cho biết tình hình thực hiện nhân quyền của VN so với các nước? Ưu điểm của VN? Việc VN bảo vệ thành công báo cáo này liệu có mở ra cơ hội phát triển hợp tác nào với các thành viên LHQ không? Ý nghĩa của báo cáo này đối với người dân trong nước?

 

- VN đã gửi báo cáo này tới một số thành viên LHQ để lấy ý kiến và báo cáo này cũng đã được đăng tải trên website của LHQ. Thông qua trao đổi với các nước, chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực với việc chuẩn bị cũng như nội dung báo cáo của VN. Ưu điểm của VN có lẽ là quá trình đổi mới cùng với các quyền về kinh tế xã hội, vấn đề xóa đói giảm nghèo... Bên cạnh đó là việc chính sách xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng tốt hơn với các hệ thống pháp luật.

 

Hiện nay VN đang có các trao đổi, thương lượng với các quốc gia khác về hợp tác kinh tế, hoặc viện trợ phát triển. Ví dụ như với EU, một trong các vấn đề mà EU hay nêu là dân chủ nhân quyền. Nếu chúng ta bảo vệ báo cáo tốt, làm tốt, thể hiện tốt những điều chúng ta đã làm được thì sẽ có lợi thế khi thương lượng trong hợp tác kinh tế.

 

Đây cũng là dịp chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, quảng bá về những việc chúng ta đã làm được mà nhiều khi chúng ta chưa nói hết. Báo cáo này cũng góp phần thể hiện hình ảnh VN, người dân VN ra thế giới. Báo cáo cũng nêu ra những khó khăn, những thách thức mà VN đang gặp phải, đồng thời cũng đưa ra những cam kết của VN với quốc tế trong những lĩnh vực mà VN làm chưa tốt. Đó sẽ là những tác động tích cực đối với người dân.

 

Theo Hương Giang - TNO

Tệp đính kèm