Cập nhật: 12/06/2009 21:33:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu nông sản, các chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp – nông thôn... được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát ngày 11-6. 

 

Khó tránh được việc nhập khẩu nhiều nông sản

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận thực tế mà đại biểu Vũ Quang Hải – Hưng Yên nêu về việc nước ta có giá trị sản xuất nông nghiệp quy mô trên một đầu người thấp nhất so với 5 nước trong khu vực, tỷ lệ sử dụng lao động nông nghiệp cao nhất trong 5 nước trong khu vực và xuất khẩu lớn nhưng có khá nhiều sản phẩm thua ngay trên sân nhà.

 

“Báo cáo Quốc hội, đúng là về mặt so sánh giá trị sản xuất nông nghiệp của nước ta so với một số nước còn thấp và trong điều kiện công nghiệp và dịch vụ đang lấy đà tăng trưởng thì phần lớn lao động ở nước ta vẫn làm việc trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Để giải quyết vấn đề này con đường chủ yếu của chúng ta là giúp cho bà con nông dân nâng cao nhanh năng suất và hiệu quả sản xuất, chủ yếu thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng”, Bộ trưởng nói.

 

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nhiều sản phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu với số lượng lớn như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu... Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu được tới 14, 5 tỷ đô la Mỹ, là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn. Tuy nhiên, một số loại nông sản không có lợi thế cạnh tranh, nên mức sản xuất ở trong nước còn thấp, hoặc phải nhập khẩu khối lượng lớn như bông, ngô, đỗ tương, thuốc lá...

 

Nội dung nhập khẩu nông sản cũng là mối quan tâm của đại biểu Lê Minh Hiền -Khánh Hòa. Trả lời câu hỏi vì sao nước ta lại nhập nhiều ngô, gạo, muối... trong khi là một nước sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nhiều, Bộ trưởng nói: “Trong nền kinh tế toàn cầu đó chúng ta sẽ phải tập trung vào phát huy những gì là lợi thế của đất nước chúng ta. Tuy nhiên cũng có những sản phẩm nước ta không có lợi thế thì chúng ta cũng cố gắng áp dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân để duy trì sản xuất ở mức độ có lợi cho dân và cho nền kinh tế nói chung, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đóng cửa để rồi tự túc tất cả mọi loại sản phẩm”.

 

Để giải quyết được vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, vấn đề con người hết sức quan trọng, cần phải có thêm nhiều chính sách để khuyến khích khoa học về với đồng ruộng, về với nông dân và phải có lộ trình đầu tư sản xuất với từng mặt hàng cụ thể mà chúng ta hiện đang nhập nhiều.

 

Làm rõ thêm về lý do chúng ta phải nhập nhiều mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, chúng ta không thể sản xuất được tất cả các mặt hàng. Ví dụ như bông, dù nỗ lực nhưng chỉ đáp ứng được 10% bông xơ cho sản xuất vải, còn 90% phải nhập. Dù đã có chiến lược hạn chế nhập khẩu vật liệu ngành dệt may từ bên ngoài và trong nước cũng đã cố gắng nhiều, nhưng chắc sẽ khó.

 

 Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, với những nông sản có thế mạnh và có thể cạnh tranh thì chúng ta đang tăng cường hoạt động thương mại, đàm phán để các nước chấp nhận nông sản Việt Nam. Công việc này đã thu được một số kết quả ban đầu, đơn cử là trái thanh long của Việt Nam đã được thị trường Mỹ chấp nhận, sắp tới là Nhật và đang đàm phán với Hàn Quốc...

 

Đến 2015: Cơ bản rau được sản xuất theo quy trình an toàn

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Minh Thức – Phú Yên về rau an toàn và cây ăn trái, Bộ trưởng Phát cho biết, Bộ đã ra những thông tư, quy định về điều kiện như thế nào thì được gọi là ruộng rau an toàn hay là vườn cây ăn trái an toàn. Bộ đã hướng dẫn thì xây dựng các quy hoạch và triển khai thực hiện. Chúng tôi rất hoan nghênh thành phố Hà Nội vừa qua đã phê duyệt và triển khai một cách mạnh mẽ chương trình này.

 

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Lân Dũng – Đắc Nông hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát  xem đến bao giờ thì toàn bộ diện tích rau được trồng trong nhà lưới và được đóng gói bao bì.

 

“Đại biểu hỏi tôi lộ trình đến bao giờ thì tất cả diện tích rau này, chúng tôi chủ trương cố gắng tới năm 2015 thì phần lớn rau của chúng ta được sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có những loại rau phải trồng trong nhà lưới, có những loại rau không nhất thiết. Vấn đề bao bì rõ ràng chúng ta cần thực hiện”, Bộ trưởng Phát nói.

Đã giải ngân gần 60.000 tỷ đồng từ gói kích cầu của Chính phủ dành cho nông nghiệp, nông thôn

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Phương Lan  - Quảng Ngãi, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ 4% lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ, tính đến tuần này, trong tổng số 336.000 tỷ đồng đã được rót vào nền kinh tế thì 18%, tương đương gần 60.000 tỷ đồng, đã được dành trực tiếp cho nông dân vay. Ngoài ra Chính phủ còn có một chương trình cho vay không lãi suất riêng cho nông dân để mua máy móc, mua vật tư nông nghiệp và mua vật liệu để xây dựng nhà. Đồng thời trong chương trình đầu tư, Chính phủ cũng đã dành một phần rất lớn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đầu tư cho các công trình về nông nghiệp.

 

 “Chúng tôi tổng hợp riêng, khối nông nghiệp năm 2009 sẽ được đầu tư 42.000 tỷ đồng và cao hơn năm 2008 là 90%”, Bộ trưởng cho biết.

 

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Trịnh Thị Nga – Phú Yên về vốn đầu tư công cho nông nghiệp giảm, Bộ trưởng Phát cho biết, số liệu tương đối có thể giảm nhưng số liệu tuyệt đối thì tăng nhiều.

 

“Từ nay đến năm 2020 cứ 5 năm sau sẽ tăng gấp đôi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên nguồn ngân sách chỉ chiếm khoảng 40% đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, phần còn lại của nhân dân và các thành phần kinh tế cùng với việc tăng đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của ngân sách:, Bộ trưởng nói.

 

Song song với đó, Chính phủ sẽ có chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào khu vực này.

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Khá liên quan đến kích cầu ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có nhiều chương trình, đặc biệt là chương trình 61 huyện với tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Đối với những vùng ngoài 61 huyện thì cũng có nhiều chương trình khác và đã được quyết định, như đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm thủy lợi, giao thông nông thôn rồi cơ sở hạ tầng, thủy sản, làng nghề... và chính sách tín dụng.

 

 

Theo HNM

Tệp đính kèm