Cập nhật: 20/04/2009 23:15:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm qua, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục diễn biến phức tạp. Lào Cai vừa là địa bàn trực tiếp và trung chuyển của tội phạm buôn bán người (BBN). Trước diễn biến phức tạp của tình hình, lực lượng chức năng tăng cường nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, tích cực chủ động đấu tranh chống nạn BBPNTE qua biên giới.

Xem sổ "nhật ký" công tác của các chiến sĩ biên phòng và CSÐT Hình sự Công an tỉnh Lào Cai mới thấy có muôn hình vạn trạng thủ đoạn để bọn tội phạm lừa phỉnh các cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin. Ba cô gái Võ Thị O. ở Vĩnh Phước, TP Nha Trang (Khánh Hòa); Nguyễn Thị L. ở Lương Văn Chánh, TP Tuy Hòa (Phú Yên) và Nguyễn Thị H. ở Gia Phú, Bảo Thắng (Lào Cai) bị một người Trung Quốc cấu kết với nữ quái môi giới ở Nha Trang lừa gạt dưới chiêu bài tuyển mộ đi làm lương cao từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, rồi đưa thẳng qua biên giới bàn giao cho chủ khách sạn ở Côn Minh ép phải bán dâm. Dã man hơn, Nông Thị Bích Ngọc ở Yên Chính, Ý Yên (Nam Ðịnh) còn móc nối hai đối tượng ở Hà Khẩu (Trung Quốc) lừa ba mẹ con chị Nguyễn Thị Ly ở Phụng Hiệp (Cần Thơ) sang Trung Quốc bán, nhưng rất may lực lượng biên phòng đã có mặt kịp thời giải cứu ba mẹ con chị. Năm 2008, Công an Lào Cai phối hợp với BÐBP và Công an Trung Quốc khám phá 20 vụ, bắt giữ 39 đối tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, hoạt động liên huyện, liên tỉnh và có sự cấu kết chặt chẽ với người Trung Quốc và người Việt Nam cư trú bất hợp pháp bên Trung Quốc. Nếu như các năm trước, các vụ phạm tội chỉ đơn lẻ, bột phát của từ một đến hai đối tượng dụ dỗ lừa gạt từ một đến hai phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán; thì từ năm 2006 đã xuất hiện những đường dây lừa phỉnh buôn người quy mô lớn. Thậm chí, có đối tượng tội phạm còn lặn lội vào các miền quê ở đồng bằng sông Cửu Long dụ dỗ người để đưa sang Trung Quốc bán; có những cô gái trước đây là nạn nhân từng bị lừa về thăm nhà cũng hám lời, lừa phỉnh các cô gái nhẹ dạ khác sang Trung Quốc bán, điển hình là đường dây do Nguyễn Thị Minh cầm đầu, có sự tham gia của hơn 10 đối tượng là thành viên trong gia đình hoặc bà con thân thích. Tiếp xúc với Minh tại trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi càng hiểu thêm tâm địa ác độc của thị đã đẩy hơn 20 cô gái ngây thơ vào chốn bùn nhơ. Sau khi bị TAND Lào Cai xử 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích, Minh bỏ trốn sang Trung Quốc, cặp bồ với một người đàn ông tên là Tráng Hoa, nghề sống chính là bóc lột thân xác các cô gái tại các quán mại dâm. Ðể liên tục có "hàng" mới câu khách, Minh liên hệ với người thân ở trong nước tỏa đi khắp nơi săn người, gạ đi làm với mức lương hấp dẫn. Sang đấy, các cô gái không còn con đường nào khác buộc phải "bán thân nuôi miệng", nếu không sẽ bị đánh đập, hành hạ dã man. Giờ đây, thị rất hối hận vì hành vi phạm tội của bản thân và xô đẩy người thân vào con đường tội lỗi, nhưng tất cả đã quá muộn. Còn Sùng Seo Váng và tám đối tượng trong đường dây sở dĩ lừa phỉnh được 19 cô gái người dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa để lừa bán qua biên giới cũng chỉ bằng ngón nghề giả vờ yêu.

 

Trưởng phòng Trinh sát BÐBP Lào Cai Trần Kim Thanh, cho biết, do có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và nước bạn, được sự ủng hộ giúp đỡ của quần chúng nhân dân tố giác kịp thời hành vi phạm tội của bọn tội phạm, kết quả đấu tranh chống tội phạm BBN ngày một nâng cao, giải cứu được nhiều nạn nhân bị buôn bán. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh phòng, chống BBPNTE gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Lực lượng trực tiếp tham gia phòng ngừa, đấu tranh, điều tra khám phá còn thiếu, hạn chế nhiều đến kết quả phòng, chống BBN. Số phụ nữ, trẻ em bỏ đi khỏi địa phương để tìm việc làm rất nhiều, do vậy rất khó xác định chính xác ai là nạn nhân bị buôn bán, lừa gạt ra nước ngoài. Các nạn nhân bị lừa gạt bán cho chủ chứa mại dâm, bán làm vợ người Trung Quốc, bán qua nhiều chủ, bị trông giữ chặt không cho quan hệ với bên ngoài, không có điều kiện trốn và thông tin tố giác để được giải cứu. Lợi dụng địa hình phức tạp, bọn tội phạm vượt biên trái phép qua các đường mòn tự mở, thuê người Trung Quốc đưa phụ nữ, trẻ em đi để trốn tránh các trạm kiểm soát của Công an, Biên phòng Trung Quốc; sau đó nhanh chóng cấu kết với đồng bọn dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em và đưa sang Trung Quốc ngay trong đêm, rồi nhanh chóng đưa sâu vào nội địa nên nạn nhân ít có cơ hội lẩn trốn và việc giải cứu rất khó khăn. Nghiêm trọng hơn, các khu vực giáp biên thuộc tỉnh Lào Cai còn xảy ra tình trạng bắt cóc phụ nữ, trẻ em để đưa qua biên giới. Mặt khác, các văn bản pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm BBN còn chưa đầy đủ. Ðiển hình, năm 2007 tại huyện Mường Khương (Lào Cai) năm thanh niên dân tộc thiểu số bị dụ dỗ, lừa gạt đưa sang Trung Quốc, bán vào các nơi sản xuất gạch, bị bóc lột sức lao động, gây nhức nhối trong dư luận, nhưng không thể xử lý các đối tượng đưa năm thanh niên đó đi bán theo điều 119, 120 Bộ luật Hình sự, mà việc xử lý bằng các hình thức khác thì không bảo đảm tính răn đe, giáo dục. Quá trình phối hợp với lực lượng chức năng của Trung Quốc trong đấu tranh BBN vẫn còn hạn chế, do đó việc mở rộng đấu tranh triệt phá các đường dây và bắt giữ đối tượng lẩn trốn tại Trung Quốc hiệu quả chưa cao. Thực tế, các đối tượng người Trung Quốc mua phụ nữ, trẻ em Việt Nam để làm gái mại dâm, làm vợ, mua đi bán lại, không bị đưa về để xử lý theo pháp luật Việt Nam, phía Trung Quốc lại không đủ chứng cứ để xét xử, đây là vấn đề rất khó khăn và hạn chế lớn đến công tác răn đe, giáo dục phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm BBPNTE.

 

Nhằm khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả đấu tranh, đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến tội phạm BBN để phù hợp tình hình thực tế, nhất là các văn bản dưới luật, các thông tư liên ngành giữa Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án, thống nhất đường lối xử lý các vụ án BBN; hỗ trợ cơ sở vật chất và tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực cho các lực lượng chức năng phòng, chống BBPNTE; tăng cường phối hợp chặt chẽ với công an các nước lân cận, không chỉ dừng lại ở công tác điều tra xác minh, truy bắt đối tượng và giải cứu nạn nhân mà cần tiến tới công tác quản lý các đối tượng, tích cực, chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn.

 

 

Theo ND

Tệp đính kèm