Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương đa dạng hoá các loại hình đào tạo, nhờ phát triển nhanh các phương tiện truyền thanh, truyền hình, thiết bị in ấn, công nghệ thông tin hiện đại, GDTXa trong 15 năm qua đã có những bước phát triển đáng kể.
Nhiều chương trình dạy ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kiến thức về văn hoá xã hội, về nghiệp vụ quản lý kinh tế thực hiện trên Đài phát thanh, truyền hình ngày càng phong phú, đa dạng, thiết thực phục vụ nhu cầu học tập của xã hội. Đáp ứng xu thế thời đại
Niềm vui của các tân cử nhân Viện Đại học Mở Hà Nội trong ngày tốt nghiệp
Đáp ứng nhu cầu xã hội
Để phát triển giáo dục từ xa, Chính phủ đã cho phép thành lập 2 đại học Mở (Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) với chức năng và nhiệm vụ chính là đào tạo từ xa. Từ năm 1994 đã bắt đầu thành lập các trung tâm đào tạo từ xa ở một số trường đại học. Cho đến nay đã có thêm 15 trường đại học được Bộ GD&ĐT cho phép tiến hành đào tạo theo phương thức GDTXa, nâng tổng số các trường ĐH đang tham gia GDTXa là 17. Hệ thống Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh tại các địa phương đã được hình thành và phát triển mạnh (đến nay có 66 trung tâm tại 63 tỉnh/TP), tạo thành mạng lưới cơ sở tiếp nhận các chương trình GDTXa rộng khắp, rất thuận lợi cho việc phát triển GDTXa. Tổng số học viên đã tốt nghiệp đại học theo hình thức học từ xa trong 15 năm qua (từ 1994-2009) là 159.947 người, số HV đang theo học là 232.781 người. Theo số liệu thống kê của các trường, tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ học viên (HV) đang theo học các chương trình theo hình thức giáo dục từ xa ở trình độ đại học.
Nếu như trong khoảng 10 năm về trước, khi mà Internet còn chưa được phổ biến rộng, các trường đại học tiến hành GDTXa bằng cách phân phát cho học viên một hệ thống giáo trình, băng tiếng và băng hình để học viên tự nghiên cứu, tự học… thì hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, dữ liệu kiến thức không còn được lưu giữ theo lối truyền thống như trên nữa mà thay vào đó là dữ liệu điện tử. Thông qua Internet, chỉ cần ngồi trước màn hình, học viên có thể tiếp thu các bài học có đủ cả âm thanh và hình ảnh sống động, trao đổi bài học và bài thi tiện lợi hơn trước rất nhiều thông qua dịch vụ thư điện tử (E-mail), diễn đàn (Forum), hay nhóm tin (Newsgroup) trên mạng. Chính Internet đã giúp tạo ra các lớp học ảo không cần có sự hiện diện của cả giáo viên và học viên mà vẫn đảm bảo được công tác đào tạo. Có thể nói, GDTXa đã đóng góp giá trị tích cực, như: GDTXa góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho nhiều người được học, học thường xuyên, học suốt đời… nhờ khắc phục được khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người học với các trung tâm văn hoá, cơ sở giáo dục; GDTXa đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình đào tạo, giúp họ phát huy tối đa tính chủ động, tư duy sáng tạo trong học tập. Đây là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục;
Tuy nhiên, về mặt khoa học – công nghệ, để phát triển GDTXa đảm bảo đúng công nghệ, chất lượng và hiệu quả cần có sự đầu tư ban đầu ở mức độ cần thiết để xây dựng cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn tài liệu hướng dẫn tự học, thiết kế và sản xuất học liệu. Vì đầu tư ban đầu khá lớn, nên số lượng người theo học phải đông, đạt tới “ngưỡng sinh lợi” thì GDTXa mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời cũng phải sàng lọc mạnh trong quá trình đào tạo mới đảm bảo chất lượng. Việc sử dụng thiết bị nghe-nhìn và công nghệ thông tin hiện đại để triển khai các chương trình giáo dục từ xa chưa được các trường chú trọng đúng mức.
|
Áp dụng CNTT trong đào tạo từ xa đang phát huy thế mạnh. Ảnh: XN |
Giá trị thực tế
Qua 14 năm tiến hành GDTXa, Viện Đại học Mở Hà Nội đã đúc kết được kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là việc cần thiết phải có những chuẩn hóa về Khái niệm chất lượng đào tạo; Phát triển học liệu, công nghệ, phương tiện; Phụ đạo và hỗ trợ học tập; Kiểm tra đánh giá học viên. Những điều kiện, yếu tố cần thiết cho việc đảm bảo chất lượng cũng được đề xuất và khuyến nghị. Từ thực tế đó, Viện Đại học Mở Hà Nội đã triển khai các hoạt động đào tạo đáp ứng những yêu cầu chính đáng của học viên. Nhà trường phải tạo điều kiện cho học viên đạt được kiến thức và kỹ năng mà thị trường lao động yêu cầu.
Nói về thành công này, theo PGS.TS Phạm Minh Việt – Giám đốc Viện Đại học Mở Hà Nội: Việc điều hành và quản lý một cơ sở đào tạo với hơn 60 nghìn người học thuộc các loại hình khác nhau, đa cấp độ, đa dạng là công việc không dễ dàng. Nhà trường có hệ thống văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, có quy chế chi tiêu nội bộ để hướng dẫn cơ chế thực hiện những công việc cụ thể. Từ thực hiện cơ chế tài chính, học liệu và công nghệ đào tạo, quy trình chuẩn bị, tiến hành và quản lý đào tạo cho đến việc các Khoa thiết kế chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, theo hệ thống tín chỉ để có thể liên thông giữa các cấp học và ngành học. Chính sự thống nhất từ trên xuống dưới tạo ra sự nhịp nhàng trong mọi hoạt động. Sự chỉ đạo của Lãnh đạo vĩ mô kết hợp với sự chia sẻ trách nhiệm của cán bộ cấp dưới tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Nếu nói về những thành công của công tác đào tạo từ xa thì không thể không nói tới việc triển khai học liệu cho GDTXa bao gồm: giáo trình in trên giấy kèm theo 1 đĩa CD (hay còn gọi là sách điện tử). Nhưng học liệu này đều được biên soạn đáp ứng cao yêu cầu về phương pháp sư phạm, sao cho người học dễ thiếp thu và hứng thú khi đọc sách.
Để có những bộ học liệu nêu trên, Viện Đại học Mở Hà Nội đã cử nhiều đoàn cán bộ đến học tập và nghiên cứu tại các nước có hệ thống GDTXa phát triển. GDTXa với hệ thống học liệu được chuẩn bị trước tiêu chuẩn hóa, và sự nỗ lực của người học, có thể tăng quy mô đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giảm tải cho hệ giáo dục tập trung, mặt-giáp-mặt, đang bị quá tải nặng nề, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Có thể nói, việc phát triển nhanh GDTXa sẽ tạo ra hiệu quả to lớn cả về kinh tế và xã hội. Trong điều kiện cụ thể hiện nay của nước ta, việc phát triển hình thức đào tạo này có thể coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để thực hiện xã hội hoá giáo dục, vì nó là nền tảng của giáo dục suốt đời, là tiền đề, cơ sở cho việc xây dựng một xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội ngày càng cao của đất nước.
Theo GD&TĐ Online