Chỉ còn 10 ngày nữa là hết hạn tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; tuy nhiên, những con số về thí sinh vẫn đang là thách thức đối với các trường: ĐH Thái Nguyên còn thiếu 2.500 chỉ tiêu; ĐH Tây Đô mới tuyển được 40% của 3.400 chỉ tiêu; ĐH Cửu Long còn 1.000 chỉ tiêu; ĐH Tiền Giang ngừng tuyển tiếp vì thấy không nên kéo dài.
PV Tiền Phong trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về những khó khăn này và phương hướng tuyển sinh năm 2013.
Các trường nằm trong diện ưu tiên đặc thù, được hạ điểm tuyển xuống dưới điểm sàn 1,0 điểm vẫn không tuyển đủ người và cho rằng, nếu giữ ưu tiên khu vực như năm 2011 trở về trước thì các trường sẽ dễ tuyển hơn. Ông có ý kiến gì?
Ưu tiên cũ có khoảng cách khu vực quá xa, giảm tới 6-7 điểm thì không thể chấp nhận được trong bối cảnh ngành GD&ĐT đang cần nâng cao chất lượng.
Vậy, Bộ không có giải pháp nào để vừa nâng cao chất lượng, vừa giúp các trường có thể tuyển sinh đủ người học?
Ban đầu có thể khó khăn nhưng sau đó sẽ đi vào nề nếp. Quan điểm của Bộ GD&ĐT hiện nay là không tiếp tục phát triển nóng về quy mô nữa mà tập trung đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi các trường phải củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ, cách tuyển sinh để chất lượng sinh viên ngày càng cao hơn.
Liệu Bộ GD&ĐT có chấp nhận một số trường ĐH, CĐ tiếp tục không tuyển đủ người học vào năm tới?
Rõ ràng một số trường chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, người học cảm thấy học ra không xin được việc làm và họ sẽ không chọn học những trường này.Đó là điều có thể xảy ra. Nếu chạy theo quy mô, hạ thấp điểm, thả lỏng chất lượng các trường sẽ tuyển được người nhưng chất lượng không đảm bảo, người lao động không được sử dụng sẽ lãng phí cho xã hội và người học.
Nhiều trường cho rằng Bộ GD&ĐT đã xác định nguồn tuyển không chính xác, số thí sinh chuyển dịch thiếu thực tế khiến các trường không tuyển đủ. Ông có nghĩ như vậy không?
Điểm sàn đã tính toán kỹ để nguồn tuyển không thiếu và chưa cần dịch chuyển thì các vùng đã tự cân đối được, trừ vùng Tây Bắc là hơi thiếu .
Vậy vì sao nhiều trường "đói" người học?
"Xét tuyển rải rác như năm nay, không có ngày xét tuyển cụ thể làm mất thời gian của các nhà tuyển sinh. Nên quy định nhiều đợt tuyển cụ thể trên toàn quốc" Một nguyên do rất quan trọng là đa số các trường không tuyển được là do đào tạo các ngành kinh tế, quản lý đã bão hòa mà ngay cả các trường kinh tế công lập lớn cũng gặp khó khăn.
Đa số các trường ngoài công lập tập trung đào tạo các ngành này nên "đói" người học là hậu quả tất yếu. Trước đây khi nguồn “cung” còn ít, cứ mở trường là người học vào; bây giờ các trường phải tính toán ngành đào tạo.
Có phải Bộ GD&ĐT đã thả lỏng cho các trường công lập tự xác định chỉ tiêu nên trường nào cũng tăng 20% chỉ tiêu không?
Thực ra, tổng chỉ tiêu không vượt so với năm ngoái do các trường cũng thận trọng vì Bộ đang tiến hành kiểm tra nếu trường nào vượt chỉ tiêu vượt năng lực đào tạo bị phạt rất nặng.
Năm 2013, tuyển sinh sẽ đi theo hướng nào để khắc phục những nhược điểm của 2012, thưa ông?
"Khối nông-lâm- ngư không đủ người học do ngành học không đủ "hot" trong khi xã hội đang cần, Đối với những ngành này, cần điều tra, xác định nhu cầu một cách nghiêm túc và hỗ trợ cho học sinh đi học: như ưu tiên học phí, công ăn việc làm, cho vay đi học và cam kết xóa nợ nếu công tác trong ngành, trong vùng".?
Tuy nhiên, năm 2013, các trường trọng điểm, trường năng khiếu sẽ được thí điểm tự chủ trong tuyển sinh. Đổi mới tiếp theo là như mở rộng ưu tiên xét tuyển cho những huyện nghèo, cho 20 huyện biên giới, hải đảo thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long không có trong danh sách 62 huyện nghèo mà Chính phủ quy định để tạo điều kiện cho con em vùng này có thể tham gia học ĐH.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT mở rộng diện ưu tiên cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Ưu tiên này đã được thực hiện từ cuối mùa tuyển sinh năm 2012; năm nay có thể xem xét để đưa vào quy chế tuyển sinh.
Trường đào tạo ngoại ngữ có được coi là đào tạo đặc thù?
Chỉ các trường đào tạo khối văn hóa nghệ thuật, nhạc họa mới được coi là đặc thù đào tạo năng khiếu.
Ông có định hướng nào cho mùa thi 2013 dành cho các thí sinh?
Định hướng nghề nghiệp quan trọng vì đích cuối cùng là xin được việc làm; nếu học xong không có việc làm thì tốn kém tiền bạc mấy năm trời là vô ích. Thí sinh 2013 lưu ý rằng học xong không tìm được việc làm thì còn nghèo hơn không đi học. Vì vậy các thí sinh nên xác định mục tiêu nghề nghiệp sau 4 năm học tập thật rõ ràng. Quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020 là một hướng tham khảo tốt cho các thí sinh.
Cám ơn ông.
Theo GD & TĐ Online