Trong bối cảnh văn học Việt Nam còn ít ỏi và mờ nhạt trên trường thơ quốc tế thì tại hội thảo thơ Châu Á-Thái Bình Dương vừa qua, tác phẩm “Những người đàn bà gánh nước sông” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã được đăng trên tạp chí Văn học của Nga.
Hơn thế, tác phẩm còn được bạn đọc bình chọn là bài thơ dịch hay nhất trong năm 2011.
Không phải ngẫu nhiên mà “Những người đàn bà gánh nước sông” có được vinh dự đó, nói như cách của nhà thơ, nhà nghiên cứu Đào Hà: “Bài thơ ‘Những người đàn bà gánh nước sông’ của Nguyễn Quang Thiều giản dị nhưng lại mang tầm vóc bao trùm, viết rất trúng về con người và văn minh vùng lúa nước châu thổ sông Hồng.”
Hình ảnh những người phụ nữ lam lũ chốn quê đã đi vào thơ Nguyễn Quang Thiều thật ấn tượng: “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái.”
Không phải đến bây giờ hình ảnh bàn chân người phụ nữ mới đi vào văn học Việt Nam. Trước kia, Nguyễn Minh Châu đã từng miêu tả nhân vật Nguyệt với “đôi gót chân hồng hồng, sạch sẽ” (trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng”) hay Tố Hữu cũng từng có câu thơ nổi tiếng: “Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt” (bài “Người con gái Việt Nam”).
Tuy nhiên, hình ảnh bàn chân trong văn Nguyễn Minh Châu và thơ Tố Hữu trước đây là biểu tượng cho những cô gái tươi đẹp, trẻ trung, còn bàn chân trong thơ Nguyễn Quang Thiều là chân của những người đàn bà, người mẹ đầy khắc khổ giữa cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn.
Nguyễn Quang Thiều đã so sánh chân người đàn bà gánh nước như chân gà, một hình ảnh so sánh táo bạo, không hề mang ý giễu cợt, ngược lại, nó rất chân thành và xúc động.
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Đào Hà đã phân tích hình ảnh này: “Nguyễn Quang Thiều đã cho thấy những người phụ nữ Việt Nam thay chồng lao động vất vả trên những bãi sông, cánh đồng. Đường đồng bằng đất trơn, người nông dân muốn đi cho vững, không bị trượt thì các ngón chân phải tõe ra và bấm chặt xuống đất.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng cho biết, từ khi năm tuổi, anh đã thường theo bà ra bờ sông. Anh nhìn thấy những người đàn bà làng anh lam lũ và nhẫn nại gánh nước sông tưới ngô khoai trên bãi. Gần 50 năm sau, anh vẫn nhìn thấy hình ảnh đó. Anh viết: “Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy/ Những người đàn bà xuống gánh nước sông.”
Hình ảnh những người đàn bà gánh nước đẹp đến đau lòng trong cuộc mưu sinh vất vả: “Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt/ Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi/ Bàn tay kia bấu vào mây trắng/ Sông gục mặt vào bờ đất lần đi.”
Đẹp biết bao hình ảnh bàn tay bấu vào mây trắng. Nguyễn Quang Thiều đã rất tinh tế khi lựa chọn hình ảnh này. Chỉ với một câu thơ mà Quang Thiều đã làm hiển hiện lên cảnh nước non hữu tình. Những đám mây trên trời cao như rụng xuống dòng sông trong vắt để người gánh nước dường như chạm vào được.
Nguyễn Quang Thiều đặt hình ảnh thơ cân xứng giữa một bàn tay bám vào đòn gánh giữ vững cuộc mưu sinh, mang đầy tính hiện thực, còn bàn tay kia bấu vào mây trắng đầy gợi tả và lãng mạn để cho thấy vẻ đẹp cuộc sống nằm ngay trong sự lao động vất vả giữa đời thường.
Nhà thơ Đào Hà cho rằng, hình ảnh gánh nước trên vai người phụ nữ vừa là gánh nước mưu sinh, vừa là gánh vác giang sơn. Những người phụ nữ chân đất đảm đang, họ là những người tần tảo lo việc đồng áng, nuôi sống gia đình đồng thời họ là những người dệt nên nét văn hóa miền quê.
Đằng sau những người đàn bà thay chồng gánh nước, gánh vác việc nhà là đám trẻ con cởi truồng chạy theo mẹ.
Cuộc sống vùng quê ấy còn nghèo khổ và luẩn quẩn trong một vòng tròn khép kín. Lũ trẻ lớn lên lại “Con gái đặt đòn gánh trên vai và xuống bến” còn con trai thì tiếp bước cha ông “… vác cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ.” Đó là những người đàn ông với hoài bão thoát khỏi miền quê và dòng sông chật hẹp để thực hiện giấc mơ vùng vẫy ngoài biển rộng.
Tuy nhiên, con đường ra đi của những người đàn ông hòng tìm được nơi rộng lớn để thỏa chí vùng vẫy cũng chẳng thuận lợi gì: “Những con cá thiêng quay mặt khóc/ Những chiếc phao ngô chết nổi/ Những người đàn ông giận dữ bỏ đi...”
Mặc dù viết theo thể thơ tự do nhưng cấu tứ thơ của Nguyễn Quang Thiều rất chặt chẽ. Bài thơ ngắn ngủi nhưng cô đọng và đầy hình ảnh phản ánh đúng bức tranh sinh hoạt vùng quê ven sông.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, một bài thơ được dịch ra nước ngoài để độc giả nước họ cảm được thơ và yêu thích nó thì cần cảm ơn công của người dịch.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng khẳng định, bài thơ “Những người đàn bà gánh nước sông” của Nguyễn Quang Thiều là một bài thơ hay, giàu cảm xúc và nhạc điệu.
Nếu không có một tình yêu quê hương, đất nước, không có những kỷ niệm chứa chan xúc cảm gắn bó với vùng quê sông nước thì liệu Nguyễn Quang Thiều có viết được những câu thơ chân thành, xúc động mà tinh tế, nghệ thuật đến như vậy./.
Theo Vietnam+