Lưu trữ các tư liệu điện ảnh - cũng là một nhánh của công cuộc bảo vệ di sản hôm qua cho ngày mai. Hiện Viện Phim VN và Điện ảnh Quân đội là hai đơn vị có số lượng phim lưu trữ lớn nhất, được đầu tư mạnh nhất và đã có những tiến bộ nhất định trong việc số hóa hình ảnh động. Tuy nhiên,việc lưu trữ, bảo quản phim tại nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Lưu trữ theo kiểu VN
Mặc dù cho tới lúc này, Viện Phim VN (viện) được đánh giá là một trong những nơi lưu trữ tư liệu điện ảnh thuộc loại tốt ở Đông Nam Á, nhưng theo lãnh đạo của viện này, các điều kiện kỹ thuật của đơn vị này vẫn chưa thật hoàn hảo.
Nhân cuộc họp báo giới thiệu về hội nghị có chủ đề “Thiết lập, đầu tư, bảo toàn một cơ quan lưu trữ nghe nhìn kỹ thuật số” do Hiệp hội các Viện lưu trữ - nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA, thành lập 1996), Viện Phim VN phối hợp tổ chức tại TPHCM từ 17-21.4, bà Nguyễn Thị Lan - Viện trưởng Viện Phim VN - cho biết: Viện đang lưu giữ một bộ sưu tập quốc gia với 80.000 cuốn phim nhựa 16mm và 35mm, gần 20.000 tên phim, hàng chục ngàn video các loại - những tác phẩm giá trị của điện ảnh cách mạng VN và nước ngoài, đặc biệt là những hình ảnh vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
7 năm qua, sau khi nhập về một hệ thống thiết bị in chuyển kỹ thuật số hiện đại, viện đã bước đầu triển khai công tác phục chế phim tư liệu bằng phương pháp điện tử, đưa sang số hóa tư liệu lưu trữ, thực hiện tu bổ, lau rửa, phục chế và xử lý kỹ thuật hàng nghìn mét phim tư liệu (chuyển hơn 1.000 đầu phim sang băng Betacam số), hoàn thiện từng bước việc in chuyển phim tới hạn sang bản mới...
Nhìn vào lượng tư liệu điện ảnh được lưu trữ, hẳn nhiên, có thể phần nào “khái quát” được gương mặt điện ảnh VN của cả hai miền Bắc, Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Kho lưu trữ của Viện Phim VN tại TPHCM có đặc điểm, ngoài những tác phẩm điện ảnh cách mạng VN, hiện ở đây lưu trữ nhiều phim, tư liệu phim sản xuất thời chế độ cũ.
Theo ông Đào Quốc Hùng - Viện phó Viện Phim VN tại TPHCM - từ năm 1954 - 1975, khoảng 200 phim nhựa đã được sản xuất, cho tới nay, tại kho của viện, một nửa số phim này đã được số hóa. Về công tác phục hồi phim, nói chung, theo ông Hùng, với nhiều bản phim, chúng ta mới phục hồi ở dạng không còn vết xước, chữa chua mốc, chưa làm được cho bản phim sạch tinh. Để làm tốt việc này, vẫn cần trang thiết bị hiện đại hơn...
Học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm
VN đã tổ chức hai hội nghị thường niên của SEAPAVAA vào các năm 1998 và 2004. Trong hội nghị tổ chức lần này, hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh các phương pháp tiếp cận, cách giải quyết hữu hiệu khi ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo quản, lưu trữ, phát huy giá trị hình ảnh động. Thời gian và tiền bạc, cho đến lúc này, vẫn là hai yếu tố quan trọng đối với công việc này.
Bà Tuenjai Sinthuvnik - Chủ tịch SEAPAVAA - cho biết: Không chỉ VN mà các quốc gia trong SEAPAVAA cũng đều gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị để lưu trữ tư liệu điện ảnh. Chuyên viên Lê Tuấn Anh - người từng tham gia một số khóa học đào tạo về số hóa do SEAPAVAA tổ chức các năm qua - cho biết: Số hóa là xu thế chung trong việc lưu trữ hình ảnh động trên phạm vi quốc tế vì có nhiều ưu điểm, nhưng lưu trữ dữ liệu số hóa lâu dài sẽ vấp phải những vấn đề khó giải quyết, bởi các định dạng dữ liệu số thay đổi rất nhanh, nhanh trở nên lỗi thời và rất khó tìm công cụ hay phần mềm để đọc các dữ liệu số đó.
Trong khi đó, một bộ phim nhựa được lưu kho với điều kiện đủ tốt sẽ có tuổi thọ hàng trăm năm... Việc số hóa tư liệu hình ảnh động có ưu điểm và nhược điểm, chính vì vậy, mỗi cơ quan lưu trữ cần căn cứ nhu cầu thực tế, khả năng của ngân sách để xây dựng chiến lược số hóa hợp lý, phù hợp. VN cần học và rút kinh nghiệm từ các nước tiên tiến...
Theo Thuỳ Ân/Báo Lao động điện tử