Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo riêng có của mình trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và phát triển như hiện nay đối với đô thị cổ Hội An đang là một thách thức lớn. Hội An đã làm gì để tìm ra lời giải cho bài toán này?
Lấy sức mạnh “nội sinh” làm chìa khóa để phát triển
Đó là khẳng định của đồng chí Kiều Cư- Phó Bí thư Thành ủy Hội An, khi nói về quá trình mà Đảng bộ, Chính quyền Hội An mày mò, tìm hướng đi cho mình. Đồng chí cho biết: “Diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của các làng xã và đô thị - thương cảng đã tích tụ, định hình nên di sản văn hóa Hội An đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, thể hiện rõ những đặc trưng của vùng đất và con người Quảng Nam. Ý thức trân trọng giữ gìn di sản của các thế hệ cư dân Hội An đã đóng vai trò dòng chảy chủ lưu, tạo nên chiều sâu mạch nguồn và bồi đắp bề dày của văn hóa Hội An. Đây là thực tiễn khá phong phú và sinh động, được các cấp ủy, chính quyền và người dân Hội An trong một thời gian khá dài suy ngẫm, đúc kết mới có được. Trên cơ sở đó để bây giờ, Hội An đã vạch ra cho mình một hướng đi tới với những lộ trình cụ thể khá bền vững. Trong đó, xem truyền thống văn hóa là sức mạnh “Nội sinh” căn bản nhất, là “Chìa khóa vàng” để Hội An mở cánh cửa đến tương lai”.
Tuy nhiên, trong thực tế, do nhiều biến thiên thăng trầm của hoàn cảnh, một thời gian dài các giá trị di sản văn hóa đa dạng và độc đáo của Hội An chưa được nhận diện và phát huy một cách đầy đủ. Cụ thể, vào năm 1985, từ những kết quả bước đầu của các công trình nghiên cứu khoa học, Khu phố cổ Hội An chính thức được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ngay sau đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ IX (1986) đã xác định nhiệm vụ: “...hết sức gìn giữ, tôn tạo và phát huy những di tích cách mạng và di tích cổ Hội An. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng nếp sống mới và lối sống văn minh lành mạnh. Tạo điều kiện để quần chúng tham gia ngày càng đông vào sự nghiệp sáng tạo những giá trị văn hóa mới” và đề cập đến vấn đề: “xây dựng quy chế và triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và trùng tu khu phố cổ gắn với tổ chức mạng lưới phục vụ khách tham quan, du lịch, tạo nguồn thu bổ sung ngân sách”.
Cho đến năm 1990, một Hội thảo khoa học mang tầm quốc tế về Đô thị cổ Hội An đã tạo nên bước ngoặt lớn về nhận thức một cách toàn diện những giá trị di sản văn hóa Hội An, đặc biệt là giá trị của khu phố cổ. Tuy nhiên, đây là thời điểm công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta phải đương đầu với rất nhiều thử thách do các biến động chính trị ở Đông Âu và Liên Xô, đất nước trong tình trạng khủng hoảng KT-XH và bị các thế lực thù địch bao vây chống phá nhiều mặt. Ở Hội An, do mất thị trường tiêu thụ sản phẩm nên sản xuất bị đình đốn; các ngành chế biến thủy hải sản, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vốn là thế mạnh của thị xã lâm vào bế tắc, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh và hơn 800 hộ cá thể phá sản, hơn 6.000 lao động nghề dệt may, thủy tinh, chổi đót, thảm len, cói lát, mành trúc, mây tre... mất việc làm, hàng trăm hộ với hàng ngàn nhân khẩu lâm vào cảnh đói nghèo. Tình hình KT-XH trên địa bàn Hội An gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, bài học về sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết cùng với sự giúp đỡ của tỉnh, Trung ương, các tổ chức quốc tế... đã giúp Đảng bộ và nhân dân Hội An từng bước tháo gỡ khó khăn và chọn lựa hướng đi phù hợp. Đại hội Đảng bộ thị xã Hội An lần thứ XI (1991) xác định hoạt động dịch vụ - du lịch là một trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của thị xã; phát triển du lịch gắn liền với việc bảo vệ bản sắc, khai thác hiệu quả vốn tài nguyên văn hóa mà trước hết là thực hiện tốt nhiệm vụ: “Tiếp tục nghiên cứu, giữ gìn, phát huy đô thị cổ; giữ gìn khôi phục truyền thống, di sản văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Hội An, trong đó có đồng bào người Hoa; tiếp tục vận động xây dựng nếp sống mới và gia đình văn hóa mới”. Đây có thể xem là một sự đột phá về mặt nhận thức, khai phóng tầm nhìn cho con đường phát triển của Hội An.
Từ hướng đi đúng đắn đó, du lịch Hội An bắt đầu chuyến biến mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế có tiềm năng to lớn, thu hút sự đầu tư của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là lúc đời sống văn hóa - xã hội ở Hội An phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, đó là: Tâm lý ích kỷ, lối sống thực dụng ngày càng phổ biến làm phai nhạt dần những giềng mối truyền thống tốt đẹp của quan hệ gia đình - cộng đồng - xã hội; các tệ nạn xuất hiện cùng với những hiện tượng không lành mạnh ngày càng gia tăng; tình trạng xâm hại di tích - nhất là trong khu phố cổ - trở thành hồi chuông cảnh báo khẩn thiết... Trong khi đó, do phải tập trung giải quyết những khó khăn về kinh tế nên cuộc vận động xây dựng “Nếp sống mới - Gia đình văn hoá mới” trong cả nước hầu như bị buông trôi từ lâu.
Những vấn đề thực tiễn trên càng làm cho quyết tâm chọn con đường phát triển văn hóa là bước đi quyết định cho sự phát triển của địa phương càng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, tại Chỉ thị 06-CT/TU, ngày 25/6/1993 của Ban Thường vụ Thị ủy (nay là Thành ủy Hội An) về “Cuộc vận động xây dựng Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa” đã nêu rõ: Chỉ có làm tốt công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa mới tạo nên cơ sở bền vững để phát triển du lịch - ngành kinh tế đang trong quá trình xác lập vị thế quan trọng của Hội An trong thời kỳ mới. Bên cạnh việc quyết tâm đầu tư tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó xây dựng nếp sống văn hóa và phát triển sự nghiệp văn hóa là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm.
Luôn coi trọng bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống
Với quan điểm coi truyền thống văn hóa là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế, nhiều năm qua các cấp lãnh đạo và ngành chức năng của TP Hội An luôn có những quan tâm xứng đáng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo ông Nguyễn Chí Trung- Giám đốc Trung tâm Quản lý- Bảo tồn Di tích Hội An, cùng với bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, TP rất chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như: Các làng nghề, ngành nghề truyền thống; các phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư; các lễ hội, hoạt động và nghi thức cúng tế dân gian; các hình thức và loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian như hát bả trạo, hát bài chòi, đối đáp…
Chính nhờ coi trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các giá trị văn hóa phi vật thể như vừa kể đã góp phần khôi phục lại các làng nghề truyền thống như: Làng mộc Kim Bồng, Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế…; phục dựng và phát triển các ngành nghề may thêu, làm đèn lồng, sản xuất hàng lưu niệm…; phát triển các Hội thả diều, Hội cầu ngư, Hội cầu bông; duy trì và phục dựng giỗ tổ nghề khai thác yến, mộc, may thêu, gốm….; phát triển các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, nhảy dây, đập nồi, đua thuyền… trong các dịp lễ hội, vui xuân…
Điều đáng nói là từ sự phục dựng và phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể kể trên đã có tác dụng tích cực trong việc tuyên truyền, quảng bá và tạo nét hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Hội An ngày càng đông hơn.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyễn Chí Trung, hiện nay các nghệ nhân và nghệ sỹ đến từ Đội Văn nghệ thuộc Trung tâm Văn hóa TP thường xuyên biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn các loại hình văn nghệ dân gian để phục vụ theo yêu cầu của du khách cũng như sẵn sàng đi biểu diễn theo các tour, các điểm du lịch có yêu cầu.
Tuy nhiên, đóng góp rất lớn vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân gian tại Hội An còn có một lực lượng khá lớn và rất quan trọng nữa là các nghệ nhân đến từ các đội, tổ, nhóm văn nghệ tại các địa bàn dân cư hoặc do một số hộ dân xin phép hành nghề như tại nhà số 9, nhà số 33 đường Nguyễn Thái Học. Nội dung biểu diễn chủ yếu của các nghệ nhân này hát bả trạo, hát bài chòi, hò đối đáp, các hoạt cảnh mô tả làng nghề, ngành nghề truyền thống, kể lại các phong tục, tập quá người Hội An xưa…Trong khi đó, TP cũng đã sữa chữa, nâng cấp và đưa vào khai thác, hoạt động Nhà hát cổ truyền TP (tại số 66 Bạch Đằng). Riêng tại Bảo tàng Văn hóa dân gian (số 33 Nguyễn Thái Học hoặc số 62 Bạch Đằng), TP tiến hành sưu tầm và trưng bày, tổ chức diễn xướng tái hiện các hoạt động ngành nghề truyền thống. Đây chính là những địa chỉ quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Hội An; trao đổi, giao lưu và giới thiệu với du khách, bạn bè gần xa về văn hóa Hội An.
Giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa
Đây vừa là mục tiêu, đồng thời là giải pháp trọng tâm mà chính quyền TP Hội An đặt ra nhiều năm qua. Bởi lẽ, với Hội An do đặc điểm là một Di sản văn hóa thế giới, địa phương có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế- xã hội dựa trên thế mạnh về du lịch và dịch vụ. Nhưng khi mà du lịch và dịch vụ được khai thác phát triển thì việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lại đặt ra như một thách thức lớn hơn.
Về điều này, theo ông Nguyễn Chí Trung, khi người dân đã thấy được mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế với văn hóa thì đó là một thuận lợi, nếu nhà quản lý biết khai thác tốt sẽ mang lại nhiều hiệu quả cao. Như trường hợp tại nhà số 9 và nhà số 33 đường Nguyễn Thái Học (TP Hội An), người dân đã xin phép chính quyền cho phép họ thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn các tiết mục, loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian phục vụ du khách. Với cách làm của hai hộ dân kể trên vừa tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Trung cũng cho biết, phương châm của Hội An hiện nay trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế là gắn kết “3 nhà”: Nhà quản lý (chính quyền địa phương và cơ quan quản lý văn hóa TP), nhà chuyên môn (cơ quan chuyên môn và nhà khoa học), nhà dân (chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh). Khi cả 3 nhà trên đã có sự gắn kết với nhau thì hiệu quả lớn nhất chính là lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, để làm được trong 3 nhà ấy phải có một “nhạc trưởng”. Và hơn ai hết chính UBND thành phố phải thực hiện vai trò của người nhạc trưởng đó. Người nhạc trưởng này sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách quản lý phù hợp.
Từ vấn đề đặt ra ở trên, ông Giám đốc Trung tâm Quản lý- Bảo tồn Di tích Hội An liên hệ đến việc gải quyết hiện tượng người dân Phố cổ cho người từ nơi khác đến thuê nhà để mở hiệu buôn bán còn mình thì ra vùng ven TP để ở. Điều này dẫn đến hậu quả là “cái hồn” của Hội An trong khu vực Phố cổ không còn và thay vào đó là cảnh buôn bán náo nhiệt, lai căng văn hóa. Bởi vậy, theo ông TP nên có cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân gốc tại các nhà cổ có điều kiện để sữa chữa nhà và vay vốn, tập huấn nghề để mở hiệu buôn bán làm ăn, phải “bám nhà, bám phố”. “Hơn ai hết, chỉ có người Hội An gốc thì mới lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống bao đời của người Hội An”- Ông Trung nhấn mạnh./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN