Tiềng ồn lớn bao gồm: tiếng động cơ của ôtô, xe máy, tàu hỏa, còi hú của xe cứu thương và xe cứu hỏa, tiếng búa máy, tiếng cắt gạch hay sắt thép, tiếng máy hút, tiếng khoan răng của nha sĩ, tiếng loa ở các vũ trường... Tiếng ồn lớn, kéo dài sẽ gây tổn hại cho thính giác như mệt mỏi, tăng nhạy cảm với âm thanh, kích thích, mất thính giác.
Tổn thương tai
Thính giác là một trong những cơ quan rất quý: 40% các thông tin của cuộc sống chúng ta nhận được đều đi qua tai. Hiện nay điếc tai tạo nên một phế tật hàng đầu của xã hội với 7% dân số bị bệnh điếc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy: tiếng ồn với cường độ quá mạnh có thể làm tổn thương cho 16.000 tế bào của tai trong (hay ốc tai), trong số đó có 3.000 tế bào cho phép nghe, còn những tế bào khác khuếch đại âm thanh và chọn lọc các tần số. Sự vang âm quá mạnh gây ra tăng tiết glutamate là một chất mà khi tăng cao trở nên độc hại do làm biến đổi sự sản xuất của dopamin - là một chất dẫn truyền vào đến dây thần kinh thính giác. Hậu quả làm mệt mỏi thính giác, làm tăng nhạy cảm đối với tiếng ồn, tạo ra một trạng thái bị kích thích, trầm trọng hơn là làm mất thính giác đối với những tần số cao.
Nguy cơ tổn thương tai xảy ra khi bắt đầu tiếp xúc âm thanh quá mức. Theo nhiều nghiên cứu thì tiếng ồn bắt đầu có hại khi nó đạt 70 - 80 đề-xi-ben, tương ứng với tiếng hú của xe cứu thương, của xe cứu hỏa, tiếng búa máy... Khi tiếng ồn trên mức 80 đề-xi-ben tương ứng với tiếng mài cắt đá, sắt, tiếng máy hút, tiếng khoan răng của nha sĩ... thật sự gây thương tổn các tế bào, mà những tế bào yếu ớt nhất được dành cho những tần số cao.
Ai dễ bị tổn thương do tiếng ồn?
Tất cả mọi người đều có thể bị tổn thương do tiếng ồn. Tuy nhiên có một yếu tố tăng nguy cơ tổn thương là: thời gian tiếp xúc với tiếng ồn từ 30 đề-xi-ben trở lên trên 30 phút; cường độ tiếng ồn càng lớn càng dễ gây tổn thương; khoảng cách càng gần nơi phát ra tiếng ồn càng dễ bị tổn thương. Nhóm người dễ bị tổn thương do tiếng ồn là những người đã mắc các bệnh về tai như viêm tai, chấn thương tai; dùng các thuốc độc hại cho thính giác như aspirin, quinin, streptomyxin, gentamycin...; người cao tuổi: tuổi càng cao thì các tế bào chịu trách nhiệm tần số cao bị thoái hóa, làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của chúng; yếu tố di truyền: tế bào thính giác có thể ít hoặc nhiều đề kháng đối với tiếng ồn và khả năng này có tính chất di truyền. Nếu bạn ở trong một vũ trường discothèque và cường độ của tiếng nhạc quá mạnh, có người chịu được tốt cường độ đó, nhưng bạn thì chưa chắc chịu được. Vài người sẽ trở thành điếc ngay phát súng đầu tiên trong khi những người khác lại chịu được bình thường. Có người đến vũ trường discothèque lần đầu tiên sau một đêm đã cảm thấy một tiếng rít trong tai, khi đi khám được chẩn đoán là bị chứng điếc vĩnh viễn, trong khi nhiều người khác vẫn đến vũ trường hàng đêm và cảm thấy bình thường.
Làm gì để bảo vệ tai, chống tiếng ồn?
Tất cả mọi người đều nên có ý thức chống tiếng ồn để bảo vệ mình và mọi người tránh tác hại của tiếng ồn. Bạn không nên do dự yêu cầu hạ cường độ âm thanh trong một quán ăn, nhà hàng hay trong một vũ trường... Khi cần bạn hãy bịt tai lại bằng bàn tay hay dùng các nút tai khi gặp tiếng ồn quá lớn. Nếu chẳng may bạn phải tiếp xúc với một chấn thương âm thanh trên dưới 30 phút, thì bạn hãy nghỉ ở nơi yên tĩnh trong khoảng một giờ. Những người lớn cần giải thích cho con em mình và những người trẻ tuổi những mối hiểm nguy do tiếng ồn và khuyên họ hạ cường độ âm thanh của các máy nghe nhạc. Trong những nghề phải tiếp xúc với âm thanh hằng ngày như hoạt động âm nhạc, cần phòng ngừa tổn thương thính giác bằng cách dùng những thiết bị lọc tần số; những người bắn súng, lao động trong môi trường tiếng ồn lớn cần đội mũ chống ồn.
Trong cuộc sống văn minh, người ta chủ trương tiến hành kiểm tra các chức năng thính giác vào những thời điểm nhất định cho con người. Chẳng hạn mọi trẻ sơ sinh đều phải được thăm khám thính giác. Thời gian tiếp theo, các bà mẹ được khuyến nghị cho con đi khám để kiểm tra thính giác vào những năm 3, 6 và 15 tuổi. Đối với toàn dân, từ năm 40 tuổi, thính giác phải là một đối tượng thăm khám thường quy. Cần thăm khám cấp cứu trong các trường hợp: chấn thương âm thanh cấp tính, gây nên một sự điếc đột ngột; sốc tình cảm gây nên những rối loạn thính giác.
Một nghiên cứu ở châu Âu được thực hiện trên 1.001 người trẻ từ 12 - 25 tuổi cho biết: những thanh thiếu niên này sử dụng máy nghe nhạc trung bình một giờ rưỡi mỗi ngày với một thời gian nghe liên tục một giờ. Những thiếu niên từ 15 - 17 tuổi nghe nhiều nhất với thời gian nghe trung bình 2 giờ 5 phút. Khoảng 40% các thanh thiếu niên này nói đã cảm thấy các tiếng ù tai sau khi nghe nhạc. Vì vậy một chuyên gia đã nêu ý kiến cảnh báo cho giới trẻ hay đeo máy nghe nhạc rằng : "Nghe iPod với âm lượng 100 đề-xi-ben, đó là tự tử vậy!". Các nhà chuyên môn chuyên ngành thính học đã khuyên: nên thỉnh thoảng đi ra ngoài lúc ở trong một hộp đêm, không sử dụng máy nghe nhạc một cách liên tục, hãy tránh xa các loa lúc nghe hòa nhạc: xa 2m là bạn đã chia nguy cơ gây tổn thương tai cho 4.
Theo SK & ĐS Online