Ở Việt Nam, me được trồng phổ biến từ lâu, từng hàng me xanh mướt dọc đường phố, đường làng ngõ xóm, trong các vườn cây ăn quả. Các bộ phận của cây đều dùng làm thuốc: trái me dưỡng can, minh mục, hoá tích, tán bì, sát khuẩn, thoái nhiệt, chỉ khát, mát gan, phổi, dạ dày, tiêu thực, chữa nóng quá sinh phiền khát, tiểu đỏ sẻn, trị nóng rát cổ, ho khản tiếng.
Một số cách dùng me chữa bệnh
- Nôn nghén, chán cơm khi có thai: quả me 30g, đường trắng 10g. Me cạo vỏ cho vào nồi nấu với 300ml nước, đun sôi kỹ còn 200ml, chắt nước bỏ bã, cho đường quấy đều chia 3 lần uống trong ngày. Uống trong vài ba ngày liên tiếp. Có thể dùng mứt me, ô mai me cam thảo để ngậm.
- Bệnh gan mật gây vàng da:
thịt quả me 20 -120g pha đường đủ ngọt uống trong ngày với liều trẻ em 3 tuổi: 5g, 5 tuổi:10g, 12 tuổi: 30g. Quả me nghiền nát bỏ xơ, cứ 50g thịt quả me trộn với 125g đường cho vào 500g đun còn 200g. Để uống chữa sỏi mật đồng bào vùng Đồng Tháp Mười dùng hạt rang vàng xay bột mịn uống với nước đun sôi để nguội.
- Trẻ em mùa hè rôm sảy, mẩn ngứa: Dùng lá me nấu nước tắm.
- Táo bón: Ăn quả me chín hoặc sắc nước gỗ me uống.
- Viêm lợi, răng: Vỏ cây me sắc nước đặc ngậm, súc miệng.
- Chảy máu ngoài da: Cầm máu bằng rắc bột vỏ cây me hoặc giã đắp.
- Tẩy giun: hạt me rang chín tán bột 190g, 160g bột quả dun (sử quân tử đã bào chế kỹ tránh gây nấc), đường vừa đủ làm viên bằng hạt ngô. Mỗi sáng 3 viên uống 3 sáng liền. Không phải dùng thuốc tẩy.
- Viêm kết mạc: Lá me rửa thật sạch đủ để hãm vào cốc nước thật sôi lấy nước để rửa mắt.
- Bồi dưỡng chữa suy nhược: vitamin C có nhiều ở quả chữa chảy máu chân răng. Vitamin B có nhiều ở búp lá, lá non dùng để pha nước uống, hoặc làm rau ăn hằng ngày.
Theo BS. Phó Thuần Hương/SK&ĐS