Khi bị hen, đường thở bị viêm và trở nên nhạy cảm khi tiếp xúc với các yếu tố gây cơn hen. Đường thở bị viêm sẽ hẹp lại và làm cho không khí đi vào và đi ra khỏi phổi rất khó khăn. Điều này gây nên các triệu chứng của cơn hen bùng phát. Nếu không được kiểm soát tốt bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn, gây các biến chứng như: xẹp phổi, nhiểm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, suy hô hấp, ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não,… có thể dẫn tới tử vong. Để kiểm soát được bệnh hen và phòng tránh các biến chứng, người bệnh cần:
Lập kế hoạch điều trị
Bác sĩ sẽ cùng với bệnh nhân lập một kế hoạch điều trị hàng ngày. Mục tiêu của kế hoạch là kiểm soát được bệnh và phòng tránh các biến chứng. Bệnh nhân sẽ học để biết khi nào bệnh chưa được kiểm soát, và nếu điều đó xảy ra thì phải làm gì.
Giám sát chức năng hô hấp: Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân tự giám sát chức năng hô hấp bằng cách đo lượng khí thở ra nhanh từ trong phổi để biết đường thở có thông tốt hay không, gọi là giám sát lưu lượng đỉnh. Đo lưu lượng đỉnh bằng thiết bị lưu lượng đỉnh kế. Nhân viên y tế sẽ chỉ cho bệnh nhân cách thức đo, khi nào đo và bao lâu đo một lần.
Dùng thuốc: Trong kế hoạch điều trị có ghi rõ những thuốc nào phải dùng và khi nào nên dùng thuốc. Có hai loại thuốc, một loại dùng trong một thời gian dài và có tác dụng làm giảm viêm dần dần gọi là thuốc kiểm soát dài hạn. Loại thuốc này giúp phòng tránh cơn hen và giữ không cho bệnh nặng thêm. Loại thứ hai có tác dụng mở rộng đường thở nhanh chóng trong cơn hen, gọi là thuốc cắt cơn.
Kiểm soát các yếu tố gây cơn hen: Nếu bệnh nhân ở gần các yếu tố gây cơn quá thường xuyên hay quá lâu, bạn sẽ dễ dàng lên cơn hen hơn. Trong kế hoạch điều trị, bác sĩ có hướng dẫn bệnh nhân tránh các yếu tố gây cơn và phải làm gì nếu không thể tránh được.
Tập thể dục đều đặn: Nhiều người lên cơn hen trong khi hoặc sau khi tập thể dục. Tuy nhiên, với kế hoạch điều trị, bệnh nhân sẽ được chỉ dẫn để tập thể dục an toàn và làm cho bệnh nhân khỏe mạnh hơn.
Kiểm soát dị ứng nguyên:
Nếu bệnh nhân có bệnh dị ứng thì việc ở gần các dị ứng nguyên có thể lên cơn hen, do vậy bệnh nhân phải kiểm soát các yếu tố gây cơn này để phòng tránh cơn hen.
Mạt bụi nhà, nấm mốc: Mạt bụi nhà là những con bọ rất nhỏ không nhìn thấy được, thường hay gây cơn hen, chúng sống trong nệm giường, khăn trải giường, chăn gối, màn cửa, thảm và bụi nhà. Nấm mốc mọc ở những nơi ẩm ướt như nhà tắm, nhà vệ sinh. Để tránh những mạt bụi nhà và nấm mốc, bạn cần thường xuyên giặt sạch chăn chiếu, ga gối, thảm; vệ sinh sạch sẽ và để kho thoáng nhà tắm, nhà vệ sinh,…
Vật nuôi: Vật nuôi như chó mèo, có chứa các dị ứng nguyên trong nước bọt, da và lông của chúng. Do đó không nên nuôi các loại vật này nếu bạn bị hen.
Phấn hoa: Đây là một dị ứng nguyên rất phổ biến có trong cây cối, cỏ trồng và cỏ dại. Do đó nên hạn chế đi ra ngoài trời vào những ngày ẩm ướt, mùa xuân,…
Gián: Gián là loại côn trùng có thể gây cơn hen, bạn nên: Giữ cho nhà bếp sạch, đổ rác mỗi ngày, cất thức ăn trong những hộp kín, diệt trừ gián bằng các biện pháp không xịt hóa chất.
Kiểm soát các chất gây ô nhiễm không khí
Khi có bệnh hen, các chất gây ô nhiễm không khí tại nhà, nơi làm việc hay ngoài trời có thể khiến bệnh nhân lên cơn hen như: khói, dầu thơm, các chất phun xịt và khói xe. Do đó càng hạn chế tiếp xúc càng tốt. Không hút thuốc, và tránh hít phải khói thuốc của người khác; Đeo khẩu trang trong khi làm các công việc ô nhiễm không khí, như đánh giấy ráp, lau bụi, quét nhà, làm vườn, hay làm việc ngoài sân; Nếu phải dùng chất phun xịt, hãy dùng loại bình bơm thay vì lon phun, và dùng ở nơi thông thoáng, dùng các chất tẩy rửa dạng nước thay vì dùng loại phun xịt;…
Kiểm soát các yếu tố gây cơn hen khác
Thời tiết: Thời tiết nóng quá hoặc lạnh quá cũng có thể gây cơn hen cho một số người. Do đó cần hạn chế các hoạt động ngoài trời khi thay đổi thời tiết. Mùa lạnh nên đeo khăn quàng che ngang miệng và mũi để bảo vệ đường hô hấp.
Bệnh cúm: Bệnh cúm cũng có thể làm cho phổi bạn nhạy cảm hơn. Do đó bạn nên tiêm phòng cúm, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện cúm.
Các chất phụ gia thực phẩm: Vài chất phụ gia thực phẩm có thể gây hơn hen như: sulfites, metabisulfies hay sulfur dioxide. Do đó bạn nên xem trên nhãn thực phẩm có các chất này hay không trước khi dùng.
Thuốc: Một vài hoạt chất có thể gây cơn hen ở một số người, ví dụ như aspirin, thuốc chẹn-beta. Nếu thuốc làm bệnh nhân lên cơn hen, hãy yêu cầu bác sĩ cho một danh sách thuốc cần tránh sử dụng. Kiểm tra nhãn các thuốc bán không cần đơn xem có chứa những hoạt chất cần tránh không. Chú ý các thuốc cảm cúm và thuốc viêm xoang thường hay chứa aspirin.
Cảm xúc và căng thẳng: Buồn phiền, kích động, hay căng thẳng có thể làm bệnh nhân thở khác đi. Điều này có thể gây cơn hen. Thư giãn và thở chậm lại là cách tốt nhất để tránh lên cơn. Bệnh nhân có thể dùng cách thở chúm môi như sau để thư giãn: Thư giãn cổ và vai; Hít vào chầm chậm qua mũi, vừa đếm thầm 1,2; Chúm môi lại giống như bạn sắp thổi một ngọn nến; Thở ra chầm chậm qua môi đang chúm, vừa đếm thầm 1, 2, 3, 4.
Theo Việt An/ suckhoedoisong.vn