Cập nhật: 30/07/2014 15:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tàn nhang là do tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời hoặc phong tà xâm nhập, nguyên nhân bên trong thì liên quan nhiều với thận thủy bất túc. Tàn nhang hay phát sinh ở vùng mặt, thường về mùa hè hoặc sau khi phơi nắng nhiều thì tàn nhang đậm màu hơn và nhiều hơn, mùa đông nhạt màu hơn. Bệnh hay gặp ở phụ nữ có nước da trắng trẻo.

Đông y chia tàn nhang thành 2 thể: Thể thận thủy bất túc và thể phong tà ngoại bác.

Thể thận thủy bất túc: do thể chất hơi yếu, thận thủy bất túc không thể thượng vinh vùng mặt, hư hỏa uất kết ở huyết phận khiến vùng mặt xuất hiện chấm tàn nhang màu đen nhạt.

 

Vị thuốc bạch truật.

Thể phong tà ngoại bác: phần nhiều do thể chất huyết nhiệt nội ẩn, lại bị phong tà bên ngoài xâm nhập vào, đấu với huyết nhiệt ở da thịt khiến phát sinh ra chứng tàn nhang. Nếu phơi nắng thì huyết nhiệt càng thịnh, huyết nhiệt lại sinh phong thì tàn nhang càng thêm nhiều.

Sau đây, xin giới thiệu một số bài thuốc đắp và rửa mặt trị chứng tàn nhang:

Bài 1: bạch phục linh đem nghiền thành bột mịn, cho một ít mật ong hòa đều thành dạng hồ. Tối trước khi đi ngủ dùng nước ấm rửa sạch mặt, rồi dùng dung dịch hồ trên bôi lên mặt. Sáng dậy rửa sạch mặt bằng nước ấm. Phương này là một nghiệm phương mà người thời xưa hay dùng chữa chứng nám da vùng mặt và chấm tàn nhang trên mặt. Trong bài bạch phục linh kiện tỳ lợi thủy, tiêu ẩm nên chữa được chứng tàn nhang. Mật ong càng thêm hiệu quả làm đẹp, trừ tàn nhang và còn giúp tư dưỡng làn da.

Bài 2: hạnh nhân bỏ vỏ, giã nát nhuyễn, sau đó dùng lòng trắng trứng gà hòa đều thành dạng hồ. Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa mặt sạch bằng nước ấm rồi thoa đều dung dịch này lên mặt. Sáng dậy, rửa sạch mặt bằng nước ấm. Đây là một nghiệm phương cổ có tác dụng khử phong tán nhiệt, trừ tàn nhang dưỡng da, ngoài ra còn trừ mụn trên mặt khiến làn da trắng mịn đẹp đẽ.

Bài 3: Bạch truật ngâm trong dấm hoặc nấu với dấm cho nở. Hằng ngày, dùng nước thuốc để lau rửa mặt. Đây là phương cổ nghiệm dùng chữa tàn nhang và nám đen trên mặt. Trong phương này, bạch truật có vị đắng cam, tính ôn vào kinh tỳ vị; bổ tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, tiêu đờm thủy, trục phong thủy kết sưng ở da. Dùng dấm điều chế, chủ yếu vì dấm có tác dụng chữa trị đờm tủy huyết bệnh, tán ứ giải độc và tịn tàn nhang. Bạch truật và dấm hợp dùng có thể khu phong trục đờm, tán ứ giải độc, trừ tàn nhang. Trong Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân nói rằng phương này chữa trị tàn nhang rất hiệu quả. 

 

Theo BS. Đỗ Minh Hiền/suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm