Năm nào cũng vậy, vào sáng 19/2 (tức ngày 10 tháng Giêng), làng Sình nằm ở hạ lưu sông Hương, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế lại tưng bừng khai hội vật võ đầu xuân. Ngay từ sáng sớm, trên khắp nẻo đường làng Sình, đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia trẩy hội. Hội thường được mở đầu bằng nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các bô lão tại đình làng, như có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ đến ơn đức tổ tiên. Ở đây còn có tục lệ thả đèn thăng thiên lên trời, như một biểu tượng văn hoá của làng Sình báo hiệu hội vật diễn ra.
Năm nào làng Sình cũng tổ chức hội vật truyền thống, mục đích để cầu cho cả làng có một năm may mắn trong làm ăn, sức khỏe… Người dân làng Sình vừa xem lễ hội nhưng cũng vừa đón khách và bạn bè ở xa gần về chơi. Sau tiếng trống khai hội là màn vật biểu diễn những thế vật đẹp của các đô vật, rồi đến là các đô vật lứa tuổi thiếu niên tham gia tranh tài. Các đô vật lên sới đấu không nhất thiết phải là người địa phương, mà bất kỳ người dân hoặc du khách nào cũng có thể đăng ký lên sới đấu vật. Nếu người nào bị vật lấm lưng, trắng bụng là bị thua, người nào vô địch thì phải thắng liên tiếp từ trận đấu đầu tiên đến đấu cuối cùng. Hội vật với tinh thần thượng võ vui xuân không đặt nặng thắng thua, cấm chơi xấu và ra những đòn hiểm… Vì vậy, sới vật làng Sình diễn ra hào hứng sôi nổi suốt cả ngày. Đến nay, hội vật làng Sình đã có lịch sử hơn 400 năm và phát triển và tồn tại.
Từ khởi thuỷ, người dân tổ chức hội vật để giải trí trong những ngày đầu xuân và tuyển chọn võ sĩ khỏe mạnh cho triều đình lúc bấy giờ. Đến nay, vật võ làng Sình đã trở thành một môn thể thao truyền thống. Người dân làng Sình dù có làm ăn sinh sống ở đâu, nhưng ngày hội họ đều quay về làng để tham gia hội vật. Hội vật được tổ chức nhằm cầu cho quốc thái, dân an; sau hội vật này người dân mới an tâm ra đồng lao động sản xuất./.
ST