Theo phóng viên TTXVN tại London, Anh sẽ có thể đề nghị thực hiện một "phanh hãm khẩn cấp" để hạn chế phúc lợi đối với lao động nhập cư từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)
Đây là một phần trong hàng loạt đề xuất được Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk công bố ngày 2/2 trong một nỗ lực nhằm giữ Anh ở lại ngôi nhà chung châu Âu.
Văn bản dày đặc các ngôn ngữ luật tóm lược các đề xuất giải quyết những yêu cầu cải cách của Anh bao gồm các điểm chính sau: Về an sinh xã hội, một quốc gia thành viên bị áp lực về an sinh xã hội sẽ được phép "đóng băng" tới 4 năm các khoản phúc lợi ngoài lương đối với lao động nhập cư từ các nước EU khác; Các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh theo mức sống của nước thành viên nơi đứa trẻ đó đang cư trú.
Về các biện pháp quản lý xuất nhập cảnh khác, các nước thành viên có thể hành động hơn nữa để ngăn chặn các vụ hôn nhân giả mạo và gian lận thanh toán phúc lợi, có thể hành động chống lại các công dân bị xem là mối đe dọa an ninh.
Về hội nhập châu Âu, Anh không phải chịu ràng buộc bởi cam kết "hội nhập chính trí hơn nữa trong EU."
Về quản trị kinh tế, Anh được đảm bảo rằng tiền đóng thuế của họ sẽ không được sử dụng để hỗ trợ Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone); Việc giám sát các thiết chế tài chính ở những nước nằm ngoài Eurozone sẽ vẫn do chính các chính phủ quốc gia đảm nhiệm, nhưng Anh sẽ phải cam kết không "tạo rào cản" đối với các nỗ lực hội nhập sâu hơn trong Eurozone.
Về tính cạnh tranh, EU có cam kết dài hạn rõ ràng nhằm nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện các biện pháp cụ thể để điều hành tốt hơn và giảm bớt các thủ tục hành chính quan liêu.
Ủy ban châu Âu có trách nhiệm đề ra các mục tiêu "giảm gánh nặng quy định" của EU đối với thương mại mặc dù ông Tusk không nêu ra chính sách cụ thể nào.
Về tính chủ quyền, một hệ thống "thẻ đỏ" cho phép các nghị viện quốc gia chiếm hơn 55% số phiếu bầu tại Hội đồng sẽ được phép phủ quyết các văn bản luật của EU.
Trong thư gửi tới toàn thể 28 nước thành viên, Chủ tịch Tusk nói rằng các đề xuất của ông đã đi "thực sự xa" trong việc giải đáp các mối quan ngại của Thủ tướng Cameron, nhưng ông "không thể vượt qua những nguyên tắc làm nên dự án châu Âu."
Chủ tịch EC thừa nhận "đây là một tiến trình khó khăn và phía trước vẫn còn các cuộc thương lượng thử thách," song bày tỏ tin tưởng đề xuất này là một nền tảng tốt để thỏa hiệp.
Thủ tướng Anh David Cameron đã hoan nghênh các đề xuất của nhà lãnh đạo EU, đặc biệt là "gói cải cách mạnh mẽ" đối với vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là chính sách phúc lợi.
Ông Cameron nói rằng nếu có được những điều khoản thành viên này cho nước Anh, chắc chắn ông sẽ chọn ở lại bởi vì đây là những điều khoản tốt và khác biệt so với những nước khác.
Theo kế hoạch, các quan chức cấp cao của toàn thể 28 nước thành viên EU sẽ có cuộc thảo luận đầu tiên về các đề xuất này vào ngày 5/2 nhằm dọn đường cho việc đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra trong hai ngày 18-19/2.
Nếu như đạt được thỏa thuận, Anh có thể sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU ngay trong tháng 6 năm nay.
Trong một diễn biến liên quan ngày 2/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng về cuộc tranh luận về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh khi cho rằng vị trí tốt nhất của London là ở trong liên minh này.
Điện đàm với Thủ tướng Anh Cameron, Tổng thống Obama "đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với một Vương quốc Anh hùng mạnh nằm trong một EU vững mạnh."
Lâu nay, Mỹ luôn ủng hộ việc Anh đóng vai trò trung tâm trong EU, đồng thời cảnh báo "mối quan hệ đặc biệt" này sẽ bị lung lay nếu như London rời khỏi liên minh./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/eu-nhuong-bo-yeu-cau-cua-anh-nham-giu-nuoc-nay-o-lai-eu/369822.vnp