Cập nhật: 13/06/2016 08:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tam Đảo là vùng đất nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây được biết đến không chỉ là khu nghỉ mát lý tưởng của Miền Bắc mà còn được biết đến với một vườn quốc gia nổi tiếng còn nguyên sơ với hệ động - thực vật phong phú. Theo các báo cáo được thực hiện, Tam Đảo có đến 904 loài thuộc 478 chi, 213 họ thực vật bậc cao. Trong hệ thực vật phong phú đó thì chuối hột rừng đã và đang là một thương hiệu của Tam Đảo nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung bởi những công dụng và sự khác biệt của nó.

Hoa chuối rừng

Chuối hột Tam Đảo mọc ở trong rừng là chủ yếu, nhưng cũng có khi được người dân lấy giống về trồng ở nhà. Trong các loài chuối, chuối hột (chuối chát) có hương vị kém hơn cả, nhưng lại được dùng làm thuốc phổ biến từ lâu trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng chữa một số bệnh khác như cảm sốt, táo bón, hắc lào. Quả chuối hột lành, khi chín ăn ngọt, nhưng có nhiều hạt. Tất cả các bộ phận của cây chuối hột đều có tác dụng chữa bệnh tốt.

Chữa bệnh đái tháo đường (hay bệnh tiểu đường): Đào lấy củ cây chuối hột, rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống, dùng thường xuyên và lâu dài hiệu quả rất tốt. Vì củ chuối không nhiều và việc đào củ phức tạp nên có thầy thuốc cải tiến cách làm và cũng thu được hết quả tốt. Chọn cây chuối hột có bắp đang nhú, cắt ngang cây (cách mặt đất 20-25 cm) và khoét một lỗ rỗng to ở thân chuối, để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ lỗ rỗng (do gốc thân cây chuối tiết ra) mà uống cũng rất tốt.

Chuối hột chữa sỏi thận: Quả chuối hột (còn gọi là chuối chát) thường được dân gian dùng chữa bệnh sỏi thận bằng cách dùng hạt nấu nước uống trong vài tháng. Để chữa sỏi thận, dân gian chọn chuối thật chín, lấy hạt phơi khô, tán nhỏ nấu lấy nước uống. Cho 7 thìa nhỏ (thìa cà phê) bột hạt chuối vào 2 lít nước đun nhỏ lửa, khi còn 2/3 nước là được. Uống hằng ngày như uống trà liền trong 2-3 tháng, cho kết quả khá tốt.

Chữa cảm nóng sốt cao phát cuồng: Đào lấy củ chuối hột, rửa sạch, giã nát, vắt lấy một bát nước cho người bệnh uống, sẽ giảm sốt và không nói mê.

Chữa hắc lào: Lấy một quả chuối hột còn xanh tươi nhiều nhựa, cắt đôi, cầm xát trực tiếp vào nơi hắc lào, bệnh đỡ nhanh, dùng liên tục 7-8 ngày là khỏi.

Trẻ em táo bón: Lấy 1-2 quả chuối chín đem vùi vào bếp lửa, khi vỏ quả ngả màu đen, ruột chín nhũn thì lấy ra để nguội, cho trẻ ăn, khoảng mươi phút sau là đi đại tiện được.

Ngoài ra, lá và vỏ quả chuối khô còn được sắc uống làm thuốc lợi tiểu và chữa được chứng phù thũng; nước sắc quả chuối hột chữa đái rắt. Rễ cây chuối hột sắc uống chữa cảm mạo.

Hoa chuối hột thái nhỏ, luộc hoặc làm nộm ăn để tăng tiết sữa ở phụ nữ mới sinh con. Hoa chuối ăn hoặc sắc nước uống làm cho nước tiểu trong và giúp thận hòa tan các loại acid dễ đóng cặn trong thận và bàng quang. Hoa chuối là nguồn bổ sung chất xơ rất tốt, vì vậy nên ăn hoa chuối để thêm chất xơ cho ruột, chống táo bón ở người cao tuổi.

Đặc biệt người ta thấy rằng hoa chuối hầu như không có sâu bao giờ, vì vậy có thể dùng thay thế các chất xơ của các loại rau khác.

 

Chuối hột sơ chế

Một trong những “sản phẩm” được ưa chuộng của chuối hột rừng lại chính là rượu ngâm quả chuối rừng đang được các nhà sản xuất quan tâm chế biến và quảng bá rộng rãi.

Rượu chuối hột: 1kg chuối hột rừng ngâm khoảng 2-2,5 lít rượu ngon 40-45 độ, rượu có vị ngọt rất thơm, màu vàng nhạt. Dùng chữa bệnh thận, sỏi thận, đái tháo đường, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, tráng dương, tăng cường sức khỏe phái mạnh, giải nhiệt, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa, bổ thận, lợi tiểu, trị kém ăn, kém ngủ, bồi bổ cơ thể…Tuy nhiên, để cho rượu chuối ngon và hấp dẫn, cần chế biến mới đạt yêu cầu: Chuối phải thật chín, thái mỏng, phơi nắng sấy khô càng khô càng tốt. Rượu ngâm phải là rượu trắng, không pha tạp (thường gọi là rượu cốt, rượu nguyên chất, nồng độ phải > 40 độ). Bình ngâm rượu phải là thủy tinh, rửa sạch. Bỏ chuối vào, chuối chiếm 1/3 lọ, đổ rượu đầy 2/3 lọ, để lại 1/3 chân không cho chuối nở. Đậy kỹ nắp, sau 100 ngày (3 tháng 10 ngày theo kinh nghiệm dân gian) là uống được, để càng lâu càng tốt. Rượu chuối hột được xếp vào loại rượu thuốc, không nên uống quá nhiều, dùng hỗ trợ điều trị bệnh sạn thận, bổ thận; liều lượng mỗi bữa ăn 1/2 tách uống trà (10 - 20ml). Các vị thuốc phải theo từng người: Cao, hạ huyết áp, nhiệt, hàn, cần bổ khí, cần bổ huyết… không nên tùy tiện dùng sẽ phản tác dụng.

Khi chúng ta lên Tam Đảo sẽ nhận thấy trong tất cả các bàn tiệc của nơi đây không thể thiếu đặc sản rượu chuối rừng. Du khách có cơ hội được thưởng thức vị thơm ngon của rượu ngâm chuối hột giữa khung cảnh thơ mộng của núi rừng Tam Đảo, có sương mù bay sà xuống cùng với những tiếng chim kêu vượn hót, tiếng suối chảy róc rách giúp cho du khách càng cảm nhận được cái giá trị mà mình đang thưởng thức. Rất nhiều thực khách uống loại rượu này xong đều nói rằng loại rượu này rất khác với các loại rượu khác, có mùi thơm của chuối mà vẫn không làm mất đi vị của rượu. Nhiều người đã tìm mua về làm quà biếu.

Du khách dạo qua chợ sẽ thấy người ta bán chuối hột đã phơi khô, được đóng gói sẵn trong những túi nhỏ, được bán xen lẫn cùng với những đặc sản khác của Tam Đảo như rau su su, mật ong rừng, khoai… tất cả tạo nên một Tam Đảo không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn có những đặc sản riêng biệt mà không phải nơi nào cũng có.

ST

Tệp đính kèm