Giếng Mắt Rồng thuộc phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên. Sở dĩ gọi là Giếng Mắt Rồng vì các nhà phong thuỷ bảo rằng: Đồi Cao (nay là trụ sở Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc) thuộc Thành phố Vĩnh Yên - là đầu một con rồng mà hai giếng hiện nay, một giếng giáp đường Lý Bôn, phường Ngô Quyền, một giếng giáp phố Vĩnh Thịnh, phường Tích Sơn là hai mắt rồng.
Huyền tích kể rằng: Xưa kia đồi Cao gọi là núi An Sơn là rừng già rất rậm rạp, nhiều loại gỗ quý nguyên sinh, dân cư còn thưa thớt. Khoảng thế kỷ 13 có một nhà sư đến núi này lập một am nhỏ để tu hành. Sau đó nhà sư đã vận động nhân dân cùng đóng góp và xây dựng một ngôi chùa lớn để thờ Phật, đặt tên là Ngũ Phúc Tự - chùa Ngũ Phúc để cầu cho vùng này được hưởng 5 phúc lớn (Phú- Thọ- Lộc- Khang- Ninh). Nhưng, sau khi chùa Ngũ Phúc làm xong thì bỗng thời tiết bất thường, nắng nóng khô hạn, mất mùa đói kém, dịch bệnh hoành hành… Bà con Vĩnh Yên liền kéo nhau lên chùa trách cứ nhà sư là tại xây dựng chùa mà làm động long mạch… song nhà sư ấy vẫn khoan thai mà nói với nhân dân rằng: Núi An Sơn này là đầu một con rồng hiện đang ngủ, mắt rồng chưa mở, nên thời tiết thỉnh thoảng sẽ thất thường, xảy ra khô hạn, dịch bệnh là vì thế. Để tránh được những điều đó, nhân dân hãy cùng nhà chùa đánh thức rồng dậy. Khi mắt rồng mở ra thì ở đây sẽ trở thành nơi Địa linh - Nhân kiệt, sẽ mưa thuận gió hoà, người và vật sẽ phát triển. Trước tình thế đó, bà con Vĩnh Yên đành lòng đồng ý và cử mấy chục thanh niên trai tráng cùng nhà sư đánh thức rồng dậy.
Rồi một hôm, vào ngày lành giờ thiêng, nhà sư trụ trì chùa Ngũ Phúc làm lễ rồi dẫn mấy chục thanh niên Vĩnh Yên đến hai địa điểm ấy mà bảo rằng: Đây là mắt rồng, các tín chủ hãy đào đất ở đó lên, khi nào thấy nước phun trào ra thì đó chính là rồng đã mở mắt. Tuy bán tín bán nghi nhưng các thanh niên vẫn cùng nhau im lặng cuốc đất theo hướng dẫn của nhà sư. Quả nhiên, cuốc chưa được sâu là bao đã thấy ộc ra một dòng nước trong suốt phun trào lên lênh láng. Mạch nước trong, chảy mãi không ngừng. Thấy vậy, nhân dân Vĩnh Yên liền bảo nhau đắp bờ lại giữ nước trở thành giếng để hàng ngày lấy nước sinh hoạt trong cuộc sống và gọi là Giếng Mắt Rồng.
Từ đó trở đi, đúng như tiên đoán của nhà sư, thời tiết ở đây rất tốt, mưa thuận gió hoà, cuộc sống phát triển. Chùa Ngũ Phúc và hai Giếng Mắt Rồng rất được nhân dân Vĩnh Yên trân trọng giữ gìn.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng đã chuyển chùa Ngũ Phúc sang vị trí hiện nay (Còn gọi là chùa Tích Sơn), để lấy khu Đồi Cao làm Sở lỵ của quan Chánh Sứ Pháp đóng cai trị (nên Đồi Cao còn gọi là đồi Quan Chánh).
Chùa chuyển, nhưng Giếng Mắt Rồng không bị lấp, mà vẫn được nhân dân thường xuyên giữ gìn sử dụng trong cuộc sống. Thành giếng được xây ở thế kỷ 18 bằng đá ong, hình tròn lớn, đường kính 10m, có bậc lên xuống để lấy nước.
Trong những thập niên ở cuối thế kỷ 20, do nhân dân ta phần lớn các gia đình đều có giếng riêng, và sau này có nước máy nên Giếng Mát Rồng nhiều năm bị quên lãng, để không, bị rác rưởi, ô nhiễm, thành giếng bị sụt lở - phần nào làm ảnh hưởng cảnh quan và văn hoá tâm linh của nhân dân ta.
Trước tình trạng xuống cấp của Giếng, được UBND tỉnh cho phép và đầu tư, Sở Văn hoá- Thông tin đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc lập hồ sơ thiết kế và tổ chức tu bổ, tôn tạo lại Giếng Mắt Rồng. Công trình bắt đầu khởi công ngày 11/12/2006 đến ngày 01/01/2007- ngày Vĩnh Yên công bố quyết định công nhận Thành phố thì khánh thành. Giếng được nạo vét hết bùn rác, sạch sẽ. Lòng giếng sâu hơn 7m, chia làm 3 cấp: Cấp 1- đáy giếng được rải một lớp sỏi tự nhiên; cấp 2 được lát đá Hải Lựu; cấp 3 - tang giếng được xây phục hồi lại như cũ ở thế kỷ 18, rất khoẻ, đẹp. Mạch giếng rất to, nước trong và sạch.
Tu bổ giếng xong, nhân dân rất phấn khởi. Từ nay, Giếng Mắt Rồng trở thành di tích lịch sử - văn hoá cảnh quan, văn hoá tâm linh quý, độc đáo của Thành phố Vĩnh Yên, của nhân dân ta.
ST