Cập nhật: 22/01/2017 11:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

(ĐCSVN) – Sáng 21/1, Hội chữ xuân Đinh Dậu 2017 đã tưng bừng khai mạc tại khuôn viên hồ Văn thuộc Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm triển lãm.

Hội chữ xuân Đinh Dậu 2017 nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp các nhà thư pháp (Hán – Nôm và Quốc ngữ) có điều kiện trổ tài sáng tác và nhân dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp đúng, đẹp với nhiều ước vọng tốt lành.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Năm nay, Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 có nhiều đổi mới. Cụ thể, Ban Tổ chức đã sắp xếp lều của người viết chữ tại mặt tiền của khu hồ Văn thay vì bố trí lều cho những người viết chữ vòng quanh hồ như mọi năm. Tất cả lều đó đều được Ban Tổ chức chuẩn bị thống nhất bằng những chất liệu tự nhiên (tre, nứa, lá). Cũng theo ông Lê Xuân Kiêu, Ban Tổ chức sẽ cố gắng giám sát và quản lý hoạt động trong những ngày diễn ra Hội chữ để hạn chế tình trạng viết sai, chặt chém, nhếch nhác, lộn xộn, đóng đinh, dán giấy lên tường di tích và hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lối đi, gây mất mỹ quan…

Tại lễ khai mạc, nhà thư pháp Trần Quốc Chí, Câu lạc bộ Unesco thư pháp Việt Nam đã biểu diễn thư pháp với chữ “Học đạo” nhằm chuyển tải tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa của tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô. Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 trao giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải tại triển lãm thư pháp “Tôn sư trọng đạo” diễn ra trong khuôn khổ Hội chữ, bao gồm hai giải Nhất, hai giải Nhì, hai giải Khuyến khích cho cả hai thể loại chữ Quốc ngữ và chữ Hán.

Nhà thư pháp Trần Quốc Chí, Câu lạc bộ Unesco thư pháp Việt Nam đã biểu diễn thư pháp với chữ “Học đạo” .

Năm nay, Hội chữ xuân có chủ đề “Tôn sư trọng đạo”- một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nói về chủ đề này, thư pháp gia Kiều Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Việt Tâm bút cho rằng: Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống, là sự răn dạy, nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Chủ đề của Hội chữ Xuân năm nay chính là định hướng về giáo dục, truyền đạt lại tinh thần của cha ông khuyên bảo thế hệ đi sau, khi đạt được sự nghiệp phải luôn tôn trọng, suy ngẫm, nhớ về những người thầy, những người đi trước.

Năm nay, Hội chữ Xuân có sự tham gia khoảng 50 lều (mỗi lều 2 người viết) dành cho 13 câu lạc bộ và một số người viết thư pháp tự do. Ban Tổ chức cũng dành một số vị trí dành cho người viết chữ trên 70 tuổi, đã tham gia giảng dạy, triển lãm thư pháp và có nhiều đóng góp cho hoạt động thư pháp Hà Nội từ năm 2000 đến nay, được các các câu lạc bộ thư pháp Hà Nội suy tôn như: Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…

Bên cạnh hoạt động viết chữ, Hội chữ xuân Đinh Dậu còn có nhiều hoạt động văn hóa khác như các chương trình nghệ thuật, trò chơi dân gian trong thời gian diễn ra Hội chữ nhằm quảng bá, giới thiệu một số loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể như quan họ, hát xoan, ca trù, ví dặm…

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn bố trí khu vực giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống với hoạt động trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội (gốm sứ, thêu dệt, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng)… Khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo – khám phá tranh Tết”; Khu vực trò chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan…

Đặc biệt, tại Hội chữ sẽ diễn ra triển lãm thư pháp với chủ đề “Tôn sư trọng đạo” với khoảng 30 bức thư pháp chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ do các ông đồ gửi về và được Ban Giám tuyển thẩm định về hình thức cũng như chất lượng; đồng thời cũng sẽ trao giải cho tác phẩm Thư pháp đẹp nhất.

Hội chữ xuân Đinh Dậu 2017 kéo dài đến hết ngày 11/2 (tức Rằm tháng Giêng).

 

Tin, ảnh: V.Hà

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tệp đính kèm