Gia đình anh Nguyễn Văn Hưng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vay vốn ưu đãi để hồi phục đầm tôm sau sự cố môi trường biển. |
Gần một năm sau sự cố môi trường biển ở bốn tỉnh miền trung, cuộc sống của người dân huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang dần ổn định. Bên cạnh các giải pháp giúp người dân vùng biển tháo gỡ khó khăn, chính sách tín dụng cũng đang chứng tỏ hiệu quả, giúp ngư dân có được nguồn vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Mới tháng năm, nhưng cửa biển Thuận An đã nhộn nhịp hứa hẹn một mùa du lịch sôi động. Những ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) gây ra sau một năm đang được chung tay giải quyết, đến nay cuộc sống của người dân đang dần ổn định. Tại khu đầm nuôi trồng thủy sản (thị trấn Thuận An) của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng, đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) cùng đại diện chính quyền địa phương kết hợp kiểm tra hiệu quả của đồng vốn cũng như tìm hiểu nhu cầu vay vốn của một số hộ dân. Anh Hưng trước đây làm thuê cho một tàu đánh cá, quanh năm vươn khơi bám biển. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, do làm ăn khó khăn, chủ tàu "giải phóng" bớt số lao động. Anh Hưng rời tàu, trở về giúp vợ chăm lo ao đầm. "Gia đình tôi vay 60 triệu đồng để đầu tư nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm trước, nhưng sự cố ô nhiễm môi trường biển năm ngoái khiến tôm, cá giống chết hàng loạt. Ðể khắc phục, vợ chồng tôi bàn nhau vay thêm 40 triệu đồng nữa từ chương trình hộ cận nghèo để hồi phục đầm, đầu tư mua con giống để nuôi thả tiếp. Dự kiến tháng 6 tới, đầm sẽ cho thu hoạch lứa tôm, cá nuôi đầu tiên sau sự cố", anh Hưng chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An Ngô Văn Dư cũng cho biết: Toàn thị trấn hiện có hơn 3.400 lao động bị ảnh hưởng. Ðến nay, công tác phân loại, bình chọn và làm chính sách đền bù đã và đang được địa phương thực hiện theo đúng quy định cho các lao động, hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng. Ðối với các hộ như hộ anh Nguyễn Văn Hưng, cũng đang thuộc danh sách được đền bù đợt tới với mức đền bù khoảng 17 triệu đồng/lao động. "Ðợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, khách du lịch đã quay trở lại với biển Thuận An, số lượng đạt khoảng 75% so với những năm trước khi sự cố xảy ra. Nhiều người nhận tiền đền bù đã xoay xở chuyển đổi ngành nghề, chủ yếu là chuyển sang nuôi trồng thủy sản, làm mắm, chạy xe hoặc làm du lịch. Cuộc sống của người dân nhìn chung đã ổn định và ngư dân, du khách cũng đã trở lại với biển", đồng chí Ngô Văn Dư phấn khởi cho biết.
Có thể nói, thời gian qua, NHCSXH đã thực hiện các chính sách tín dụng đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Theo tìm hiểu thực tế, hầu hết người dân đã sử dụng nguồn vốn tín dụng đúng mục đích, giúp ổn định cuộc sống. "Nguồn vốn đã đến được với người dân và hoạt động có hiệu quả, giúp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, bảo đảm an sinh xã hội. Có những hộ đã thoát nghèo bền vững", Chủ tịch UBND xã Vinh Hà La Ðình Tân khẳng định.
Cũng theo Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và truyền thông NHCSXH Phan Cử Nhân, sau sự cố môi trường biển, NHCSXH chi nhánh các tỉnh cũng đã phối hợp chính quyền địa phương thực hiện rà soát lại, phân loại các trường hợp và tùy theo mức độ thiệt hại để có những giải pháp khác nhau, thí dụ như gia hạn nợ, khoanh nợ và cho vay phục hồi sản xuất. "Ðến nay, NHCSXH Việt Nam đã chuyển hơn 220 tỷ đồng về cho bốn tỉnh gặp khó khăn để các NHCSXH địa phương triển khai giải ngân cho bà con phục hồi sản xuất, tiếp tục tạo thu nhập", Giám đốc Phan Cử Nhân cho biết thêm. Bên cạnh đó, với những trường hợp bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, NHCSXH đã căn cứ mức độ thiệt hại của từng khoản vay, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định.
Theo NHCSXH huyện Phú Vang, tính đến hết quý I-2017, NHCSXH huyện đã hoàn thành hơn 99% kế hoạch được giao cả năm. Cụ thể, đến ngày 31-3, tổng dư nợ đạt hơn 267 tỷ đồng (hoàn thành 99,6% kế hoạch năm). Trong đó, cho vay hộ nghèo là hơn 21 tỷ đồng (hoàn thành 100% kế hoạch); cho vay hộ cận nghèo là hơn 93 tỷ đồng (hoàn thành 100% kế hoạch);… Công tác phân bổ điều hành các chỉ tiêu tín dụng được thực hiện kịp thời cho các xã, thị trấn ngay khi có vốn phân bổ mới, không để xảy ra tình trạng ứ đọng vốn. Tất cả nguồn vốn thu hồi đều được cho vay quay vòng nhanh chóng và ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho các xã chịu thiệt hại do sự cố môi trường biển, các xã có đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.
Theo Bài và ảnh: VIỆT PHONG
nhandan.com.vn