Cập nhật: 03/07/2017 16:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tàu Chemroad Journey bị mắc cạn tại vùng biển Bình Thuận, cách đảo Phú Quý khoảng 28 hải lý về phía nam.

Ngày 1-7, tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III đã chở Đoàn công tác của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận ra hiện trường khu vực tàu Chemroad Journey chở gần 30 ngàn tấn hóa chất bị mắc cạn tại vùng biển Bình Thuận từ ngày 10-6-2017 để giám sát công tác cứu hộ con tàu này.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Đoàn công tác và các đơn vị có liên quan cùng Công ty TNHH Đại lý Vận tải Highsea (Công ty Highsea) làm dịch vụ đại lý cho Công ty Nippon Salvage Co.,Ltd, là công ty ký kết hợp đồng cứu cạn, cứu hộ cho chủ tàu bị mắc cạn.

Tại buổi làm việc, ông Châu Quốc Huân, Phó Giám đốc Công ty Highsea đã trình bày phương án cứu hộ tàu bị mắc cạn. Theo phương án lúc đầu, chủ tàu và Công ty cứu hộ thống nhất phương án sẽ liên hệ với Công ty vận tải biển tại các khu vực lân cận để được cung cấp phương tiện phù hợp cho việc chở 500 tấn dầu nhiên liệu từ tàu mắc cạn về kho chứa tại Vũng Tàu. Tuy nhiên, do không tìm được tàu phù hợp với các điều kiện an toàn, số lượng, chủng loại dầu nhiên liệu cần chuyển ra nên đã thay đổi phương án khác là bơm chuyển trong nội bộ tàu bị mắc cạn số dầu nhiên liệu còn lại trong hầm chứa dầu nhiên liệu số 1 mũi (khoảng 500 tấn) vào hầm SLOP phía gần sau lái.

Các lực lượng tham gia bảo vệ, giám sát tiếp cận tàu bị nạn

Từ ngày 21- 6, chủ tàu và Công ty đã thực hiện phương án này và đến ngày 26-6, tổng số dầu nhiên liệu liệu đã bơm chuyển được 509,269 tấn. Đến ngày 29-6, tàu vẫn đang bị mắc cạn, toàn bộ thuyền viên trên tàu vẫn an toàn. Chưa phát hiện dấu hiệu rò rỉ dầu nhiên liệu và hóa chất ra môi trường.

Theo tính toán của công ty cứu hộ, để làm giảm bớt áp lực của bãi cạn lên phần đáy vỏ tàu, một lượng hàng hoá (hoá chất) khoảng từ 7.000 đến 8.000 tấn sẽ được bơm hút ra và chuyển qua tàu chở hoá chất chuyên dụng “Sun Mercury” có trọng tải 8.817 tấn. Sau khi làm nhẹ bớt con tàu bằng cách chuyển tải bớt hàng ra, và những hầm bị ngập nước phải được bơm nước ra ngoài để làm giảm áp lực của bãi cạn lên đáy vỏ tàu, tàu mắc cạn sẽ từ từ nổi lên và đội cứu hộ sẽ dùng tàu kéo, kéo tàu mắc cạn thoát khỏi bãi cạn. Hiện chủ tàu và Công ty cứu hộ đang chờ sự phê duyệt của các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bình Thuận, tại hiện khu vực tàu bị mắc cạn có 3 tàu tham gia bảo vệ, kiểm tra, giám sát hoạt động tàu bị nạn và sẵn sàng ứng phó sự cố gồm: Tàu CN-09 BP 11.19.01 của BĐBP Bình Thuận, tàu CSB 6008 của Vùng Cảnh sát biển 3 và tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III. Ngoài ra còn có 6 tàu tham gia cứu hộ, gồm: Tàu kéo cứu hộ chuyên dụng “Trabajador 1”, Tàu kéo Minh Hoàng 06, Tàu kéo “Sea Boxer”, Tàu kéo “Sea Tiger”, Tàu kéo AHT “Lam Hồng” và tàu chở hoá chất chuyên dụng “Sun Mercury”.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao trách nhiệm của chủ tàu và các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức cứu hộ tàu bị mắc cạn và các đơn vị tham gia bảo vệ, giám sát hoạt động cứu hộ tàu bị nạn. Đồng thời yêu cầu Cảng vụ hàng hải Bình Thuận khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền để phê duyệt kế hoạch cứu cạn cho tàu Chemroad Journey do Công ty TNHH Đại lý vận tải High Sea và chủ tàu cung cấp.

UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng hải Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, công an tỉnh tham gia cùng đoàn công tác của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng tại hiện trường theo dõi, giám sát quá trình cứu hộ tàu.

Ông Nam cũng lưu ý, theo dự báo, tình hình thời tiết trong những ngày tới là hết sức phức tạp, nên công tác cứu hộ phải hết sức khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chủ tàu, các đơn vị tham gia công tác cứu hộ phải bảo đảm các giải pháp tối ưu ngăn chặn hiệu quả nếu có biểu hiện xảy ra sự cố tràn dầu, hóa chất ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình cứu hộ, chủ tàu phải có báo cáo kịp thời cho đoàn giám sát.

Theo ĐÌNH CHÂU/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm