Nghề rèn truyền thống ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường có cách đây rất lâu. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, nghề rèn vẫn giữ được nét đặc trưng riêng và mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Trước sự cạnh tranh gay gắt trong cơ chế thị trường và cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, nghề rèn truyền thống Bàn Mạch đã không ngừng đổi mới để có một chỗ đứng vững chắc.
Nghề rèn nuôi sống bao thế hệ
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, làng rèn Bàn Mạch có từ xa xưa. Khi ấy, đất canh tác của làng ít, thời gian nông nhàn nhiều, ngoài canh tác 2 vụ lúa chính, người dân Bàn Mạch không biết làm gì thêm để kiếm sống, do vậy, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Một ngày, có vị Quận công về làng thấy người dân nghèo khó, ông đã mượn thợ giỏi về để truyền nghề và dạy việc cho dân. Làng rèn Bàn Mạch ra đời từ đó và mấy trăm năm nay vẫn tồn tại và phát triển, nuôi sống bao thế hệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những ngày này, đến làng nghề rèn truyền thống Bàn Mạch luôn thấy các lò rèn đỏ lửa, tiếng búa đập, tiếng giũa mài không ngừng nghỉ để kịp giao hàng cho khách. Sản phẩm nơi đây đã từ lâu nổi tiếng sắc, bền, tiện dụng; không những được người tiêu dùng khắp cả nước biết đến mà còn xuất khẩu sang các nước: Lào, Campuchia...
Anh Lê Hoàng Sơn, người gắn bó hơn 30 năm với nghề rèn được nhiều người dân trong làng biết đến. Nhờ tích cóp, dành dụm anh đã xây được nhà 3 tầng, trang bị cho gia đình đầy đủ tiện nghi với xe máy, tivi, tủ lạnh và những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghề như máy hàn, khoan, cắt... Anh Sơn tâm sự: “Nghề rèn đã nuôi sống nhiều thế hệ gia đình tôi. Mai này, hai đứa con có ăn học thành tài, chúng nó chắc sẽ không quên cái nghề ông cha truyền lại”.
Hiện nay, thôn Bàn Mạch có khoảng 1.168 hộ thì hơn 550 hộ làm nghề rèn, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.319 lao động trong xã và tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động ở các địa phương lân cận, với thu nhập bình quân từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Can - Trưởng thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân cho biết: “Toàn thôn có gần 90% gia đình liên quan đến nghề rèn. Mỗi năm, thôn Bàn Mạch thu về từ nghề rèn hàng chục tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã đạt 73,5 tỷ đồng, chiếm 71,4 % tổng thu nhập toàn xã, trong đó chủ yếu là sản xuất nghề rèn truyền thống”.
Đổi mới để giữ nghề
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, nhưng nghề rèn Bàn Mạch vẫn phát triển bền vững, bởi mỗi người thợ ở đây luôn lấy chất lượng sản phẩm để giữ lấy thương hiệu “Rèn Thùng Mạch” của mình. Hiện nay, làng nghề rèn Bàn Mạch được quy hoạch xây dựng thành một khu sản xuất riêng để bảo vệ môi trường, tránh tiếng ồn. Khu làng nghề tập trung thu hút gần 30 hộ dân với hơn 100 lao động, mỗi ngày có thể làm ra hàng vạn sản phẩm đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm rèn ngày càng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, từ các mặt hàng nhỏ bé như chiếc đinh khuy, bản lề cửa cho đến các loại dao, liềm, cuốc, xẻng; cao hơn là các mặt hàng cơ khí lớn. Bên cạnh đó, người dân nơi đây không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Hiện, toàn thôn có 300 máy búa, 7 máy cán, 170 máy đột dập. Nhờ vậy, sản phẩm rèn nơi đây không những nổi tiếng ở thị trường trong nước, mà còn có mặt ở các nước như: Lào, Campuchia.., trong làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa, tiếng xe chuyên chở hàng hoá đi tiêu thụ ở khắc các vùng miền. Đa số các gia đình theo nghề rèn đều có cuộc sống khấm khá, thậm chí có gia đình mua được ô tô để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ nơi khác.
Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình ở Bàn Mạch còn đầu tư lò rèn trung tần chạy bằng điện. Với thiết kế nhỏ gọn, lò rèn trung tần vừa tiết kiệm chi phí đầu vào; vừa không độc hại cho người lao động, bảo vệ môi trường; lại giảm được một nhân công lao động.
Đến thăm xưởng rèn của anh Nguyễn Văn Hoà, người có thâm niên gắn bó với nghề gần 20 năm. Nhận thấy rõ tác hại của lò rèn đốt bằng than, với số tiền tích cóp được cùng với vay mượn thêm ngân hàng, tháng 3-2014, anh Hoà đầu tư gần 100 triệu để mua lò rèn trung tần với công suất 80 KW. Anh Hoà cho biết: “Ngày xưa làm nghề này vất vả lắm, thổi bếp phò phò đến "Phồng mang trợn mắt", quay bễ đun than, mài thủ công, đập búa… đến mỏi cả tay. Hơn nữa, mỗi lò cần ít nhất từ 3 đến 5 lao động có sức khoẻ mới có thể sản xuất được khoảng 15 sản phẩm trong một ngày. Bây giờ có máy búa, máy cán, máy đột dập… hiện đại, nên nhàn hơn nhiều, chỉ cần 2 người cũng có thể làm được từ 120-150 sản phẩm/ngày. Năm vừa rồi, gia đình tôi còn đầu tư thêm lò rèn trung tần thì lại càng nhàn hơn. Bây giờ, chỉ cần 1 mình tôi cũng có thể làm ra gần 200 sản phẩm/ngày, giảm hẳn một công lao động. Hơn nữa, do chạy bằng điện 3 pha, lò rèn trung tần tiết kiệm được chi phí nhiên liệu đầu vào, không độc hại với người lao động và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, năm qua, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 120 triệu đồng từ nghề rèn”.
Thực tế cho thấy, nghề rèn tuy vất vả, nhưng nó đã gắn bó và đem lại cuộc sống ấm lo cho biết bao thế hệ. Những người dân Bàn Mạch luôn tâm huyết giữ nghề, không ngừng đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất với mong muốn đưa nghề truyền thống phát triển, vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Sưu tầm