Tháng 3 Tây Nguyên, trời lồng lộng xanh. Mây trắng la đà trên những đỉnh núi cao nguyên Lang Biang. Rời xa nhịp điệu phố phường, chúng tôi trải nghiệm trên cung đường DT 725, nối thành phố hoa Ðà Lạt và miền đất Nam Ban, để được chạm vào văn hóa Hà thành ngay giữa miền cao nguyên đất đỏ.
Không gian sống của đồng bào dân tộc Cơ Ho ở Lâm Ðồng hấp dẫn du khách.
Tuyến đường Ðà Lạt nối thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Ðồng), qua đèo Tà Nung, khoảng 30 cây số, đang là cung đường trải nghiệm kỳ thú, hấp dẫn trên bản đồ du lịch của du khách và được ví là "Cung đường xanh nam Tây Nguyên".
Chúng tôi rời thành phố, đi chầm chậm trên cung đường qua làng hoa Vạn Thành, cách trung tâm Ðà Lạt chừng 3 km. Ðây là điểm khởi đầu cung đường trải nghiệm. Từ hàng chục năm trước, những cư dân tỉnh Hà Nam đã đến, chọn nơi đây làm quê hương thứ hai và lập nên làng hoa này. Từ trên cao đã thấy những cung bậc của sắc hoa hồng, salem, cẩm chướng, đồng tiền… xuôi theo triền núi, chạy dọc suối Cam Ly huyền thoại. "Ở đây, hoa trổ bông quanh năm. Du khách sẽ được chứng kiến hoạt động sản xuất, thu hoạch hoa từ sáng tinh sương, hay khi hoàng hôn xuống", chị Kiều Oanh, cư dân làng hoa Vạn Thành thổ lộ.
Bên đường, ô-tô du lịch vừa dừng lại để hàng chục du khách nước ngoài vào thăm vườn. Hướng dẫn viên Gia Huy giới thiệu: Ðây là một trong năm làng hoa truyền thống của Ðà Lạt được người nông dân áp dụng công nghệ cao trong canh tác. Hoa ở đây đã có mặt tại thị trường nhiều nước trên thế giới. Du khách được trực tiếp xem quy trình chăm sóc hoa. Ðược tặng một nụ hồng để mang theo trên hành trình trải nghiệm, chị Nê-ha, đến từ Ca-na-đa, vui vẻ cho biết: "Hoa ở đây thật đẹp và người dân rất thân thiện".
Tiếp đến là trại "Ðà Lạt rau thủy canh", cũng ở ngay làng hoa Vạn Thành. Nắng lên dịu nhẹ, lấp loáng trên dải nhà kính trải dài hết thung lũng. Bên trong, chủ nhân dựng những bậc thang vừa đủ để khách tham quan vườn. Những lối đi được trang trí bằng chính các loài hoa của làng hoa Vạn Thành đó là những loài hoa dây leo làm nổi bật mầu xanh non tơ của giàn rau thủy canh trên hệ thống ống dẫn dài hun hút. "Rất thú vị! Ðến đây được trải nghiệm "hai trong một", vừa tìm hiểu phương pháp trồng rau "lưng chừng trời", vừa được chụp ảnh cùng hoa trong tiếng nhạc dặt dìu theo từng bước chân", chị Nguyễn Lan Hương, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết. Trồng rau ở "lưng chừng trời" là sự ví von thú vị về cách canh tác thủy canh. Nhẹ nhàng nhấc một cây xà lách ra khỏi ống dẫn, để lộ bộ rễ dài và trắng sạch, ngắt lá ăn ngon lành, Giám đốc Công ty TNHH Ðà Lạt rau thủy canh Nguyễn Văn Dương cho biết: Rau thủy canh được trồng trong hệ thống dẫn nước pha chất dinh dưỡng, được cân đong chi ly từng gờ-ram, rồi bơm lên đường ống có độ nghiêng 2%, chảy chầm chậm để rễ cây hấp thu. Về lý thuyết, có thể đưa thẳng rau từ trang trại lên bàn ăn.
Rời làng hoa Vạn Thành đi thêm vài km, đèo Tà Nung hiện ra uốn lượn trong mây, được bao quanh bởi những tán rừng thông bạt ngàn.
Cách đó không xa, Hoa Sơn điền trang được giới trẻ ví là "cõi mộng" bên khu rừng nguyên sinh hiếm hoi ở ngoại ô Ðà Lạt, nơi du khách có thể thám hiểm đường rừng, băng qua những dòng suối mát lạnh; khám phá những loài cây, loài chim quý. Chủ nhân khu du lịch sinh thái đã dựng một bàn tay may mắn khổng lồ bằng dây rừng, một chiếc cầu gỗ lơ lửng bên đồi và những căn nhà gỗ cổ kính bên vườn hoa anh đào Nhật Bản.
Mùi nhựa thông quấn quýt. Ðèo Tà Nung như chùng xuống, thấy rõ những ngôi nhà của đồng bào Cơ Ho. Xã Tà Nung nằm ở hướng tây nam, cách trung tâm phố núi Ðà Lạt chừng 15 km. Vùng đất lòng chảo giữa trập trùng đồi núi ẩn chứa nhiều huyền tích, từ tên buôn làng Tơrnun thuở sơ khai, các dòng họ người Cơ Ho Srê, đến thác Cửa Thần (Liang Pông Yang), thác Vọng (Liang Pe Kbít)... Vùng đất này còn hấp dẫn nhờ những nhịp chiêng, những làng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đan chiếu Ndung, gùi và những giàn bầu hồ lô lạ lẫm.
Trưa. Những nếp nhà đỏ lửa. Những vị khách nước ngoài tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm cách dệt của bà Cơ Liêng K’Pơng, đan chiếu Ndung cùng Da Cát KPút… Có nhiều ngôi nhà vắng chủ, nhưng đoàn khách vẫn được tự do tham quan, tìm hiểu đời sống cư dân, bởi hầu hết nhà nơi đây chưa khép cửa bao giờ. "Mọi thứ thật lạ. Ðây là điểm đến rất thú vị trên hành trình chúng tôi khám phá những vùng đất Tây Nguyên", chị Vi-ta Lô-ti-tô, du khách người I-ta-li-a bày tỏ.
Tà Nung thuở sơ khai là vùng đất của người Cơ Ho Srê, có tên là bon Tơrnun, một công xã có tính huyết thống cao với một dòng họ duy nhất là Da Cát. Về sau, nhiều dòng họ của người Cơ Ho Lạch, Cơ Ho Cil đến lập nghiệp, làm cho cộng đồng cư dân trở nên phong phú. Ðiều đặc biệt là ở đây cũng có những vườn tam giác mạch của vùng Tây Bắc, rồi vườn hoa cải vàng, hướng dương, thạch thảo… trải dài từ đường đèo đến tận chân núi, như mời gọi du khách. Chị Ngọc, chủ nhân vườn tam giác mạch dưới chân đèo Tà Nung nói: "Xứ này không còn buồn tẻ nữa. Hằng ngày, rất nhiều du khách trong nước và ngoài nước đổ về đây ngắm cảnh, ghi hình. Ðời sống người dân giờ đã đổi thay…".
Một điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình khám phá cung đường xanh nam Tây Nguyên, đó là Mê Linh Coffee Garden. Du khách đến đây thưởng thức cà-phê, vừa ngắm cảnh, vừa thong dong dạo vườn, mua sắm hàng lưu niệm và tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Tà Nung Lê Quang Húy cho biết, thế mạnh của Tà Nung là du lịch rừng, du lịch canh nông và trải nghiệm văn hóa truyền thống. "Trước mắt, chúng tôi đang triển khai đề án phát triển du lịch văn hóa bản địa vừa được UBND thành phố Ðà Lạt phê duyệt. Khi đó, sẽ có những đêm hội cồng chiêng, cùng nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống được khôi phục".
Ði hết đèo Tà Nung, bỗng gặp một thoáng Hà Nội giữa lòng nam Tây Nguyên. Hơn 40 năm trước, khi đất nước thống nhất, hàng nghìn thanh niên Hà Nội theo tiếng gọi xây dựng Tổ quốc, đã rời Thủ đô, mang theo tên đất, tên làng, truyền thống văn hóa đến Lâm Hà (Lâm Ðồng) xây dựng vùng kinh tế mới. Trên dải lụa DT 725, đoạn qua xã Mê Linh, thị trấn Nam Ban thuộc huyện Lâm Hà, hằng ngày, cơ sở nuôi dế Thiện An, lò nấu rượu gạo truyền thống Kiết Tường và cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn, được nhiều đoàn khách tìm đến. Anh Trần Văn Song (Khánh Hòa), người có hơn 15 năm chở khách nước ngoài du lịch bằng mô-tô, thổ lộ: "Khách quốc tế rất thích đến buôn làng. Riêng cung đường này, mỗi năm tôi có cả trăm chuyến chở khách nước ngoài đến trải nghiệm, và nhiều người đã quay trở lại".
Chiều. Dòng Cam Ly hiền hòa, lấp loáng vắt ngang vùng kinh tế mới Nam Ban, nơi những người con Hà Nội và vùng Kinh Bắc cùng hội tụ, quây quần trên miền quê mới. Hương cà-phê thoảng đưa. Rượu đã đượm lòng, du khách cùng những liền anh, liền chị "bỉ" (hát ngâm không nhịp điệu) câu quan họ: "Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể như sinh một nhà…". Chợt nhớ cuộc chuyện trò với Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban Hoàng Ngọc Trọng, người con đất Hà thành, lớn lên từ nương rẫy nam Tây Nguyên. Anh tâm sự: "Ðây là vùng đất mới, tập trung khá đông cư dân vùng Kinh Bắc. Họ mang vào đây cả tên đất, tên làng cùng truyền thống văn hóa. Giờ đây, trong những ngày hội lớn, nhiều hoạt động từ tỉnh đến làng xã, hát quan họ trở thành "món" không thể thiếu và đang mở ra cơ hội phát triển du lịch".
Cung đường du lịch Ðà Lạt - Tà Nung - Nam Ban, đang là sự lựa chọn của nhiều du khách trên hành trình khám phá vùng đất nam Tây Nguyên. Du khách có thể khởi hành từ Ðà Lạt, xuôi đèo Tà Nung và kết thúc bằng canh quan họ "Ðến cao nguyên, người ở đừng về…"; hoặc ngược lại. Các địa phương trên cung đường du lịch xanh này đã xây dựng một số đề án phát triển du lịch. Trong tương lai không xa, cung đường này sẽ trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch Tây Nguyên.
Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO
Theo nhandan.com.vn