Ở trẻ, táo bón có thể xảy ra đột ngột (sau khi trẻ bị ốm và ăn uống không đầy đủ trong vài ngày), hoặc có thể xảy ra từ từ, rất khó nhận biết.Với một số bé, chỉ một lần bị đau khi đi tiêu do phân khô cứng, khó rặn cũng đủ để bé sợ vào nhà vệ sinh và bắt đầu nhịn đi tiêu.
Táo bón là một triệu chứng có sự khó khăn, chậm trễ trong việc thải phân với phân ít và khô rắn hơn bình thường, số lần thải phân không vượt quá 3 lần trong tuần.
Táo bón có thể không gây hậu quả nghiêm trọng trước mắt nhưng về lâu dài người bệnh thường bị nhiễm độc (biểu hiện thường xuyên nhức đầu, mệt mỏi, biếng ăn), nhiễm khuẩn và có thể mắc bệnh trĩ.
Riêng đối với trẻ, táo bón cũng khá phổ biến. Mỗi bé có nhịp độ đi tiêu riêng nhưng nhìn chung trẻ được coi là táo bón nếu đi ngoài dưới 3 lần mỗi tuần, phân ít, cứng hoặc vỡ vụn như phân dê. Bé cũng được coi là bị táo bón nên đi ngoài phân quá rắn, cảm thấy căng thẳng và đau khi đi tiêu. Khoảng 1/3 trẻ 4 - 7 tuổi từng bị táo bón, 5% học sinh tiểu học bị táo bón có thể kéo dài. Táo bón mạn tính có thể gặp ở trẻ 2 - 4 tuổi, trong giai đoạn tập ngồi bô.
Nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ
Dinh dưỡng: trẻ không uống đủ nước hay ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ, khiến phân khô và cứng, khó tống ra ngoài.
Nhịn tiêu: đôi khi trẻ có thể nhịn tiêu quá lâu vì ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng, hay vì nhà vệ sinh không sạch sẽ, hoặc trẻ còn mải mê chơi và không muốn ngừng trò chơi của mình. Trẻ nín đi ngoài bằng cách thít chặt các cơ quanh hậu môn, phớt lờ cơn mót đại tiện. Phân tích tụ trong ruột ngày càng nhiều và trở nên cứng hơn, rất khó tống ra ngoài.
Thay đổi nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày: sự thay đổi nhịp điệu sinh hoạt, chẳng hạn một chuyến đi xa, chuyển nhà, đổi trường hay thay đổi loại sữa công thức đang dùng có thể ảnh hưởng tới nhịp điệu đi tiêu tự nhiên của trẻ, dẫn tới táo bón.
Vận động ít: hoạt động thể lực ít có thể khiến ruột của trẻ trở nên chậm chạp, lười biếng hơn, dẫn tới táo bón.
Sử dụng thuốc: một số thuốc có thể dẫn tới táo bón, ví dụ một số thuốc ho, thuốc chống co giật, thuốc kháng histamin trị dị ứng.
Trẻ được coi là táo bón nếu đi ngoài dưới 3 lần mỗi tuần, phân ít, cứng hoặc vỡ vụn như phân
dê
Biện pháp ngừa táo bón ở trẻ
Ăn nhiều chất xơ: cho trẻ ăn chế độ ăn cân đối, giàu chất xơ sợi, nhiều rau củ quả. Chất xơ giúplàm tăng khối lượng phân, khiến chúng mềm hơn và dễ tống ra ngoài.
Uống nhiều nước: uống nhiều nước giúp tăng lượng chất lỏng trong phân, khiến phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài.
Tăng cường vận động: vận động thường xuyên rất quan trọng, giúp thức ăn di chuyển dọc theo ruột, tănghoạt động của ruột.
Thuốc trị táo bón có thể dùng cho trẻ
Thuốc trị táo bón tạo khối (có tác dụng bổ sung chất xơ):
Thường là các hợp chất thiên nhiên (thạch, agar-agar, cám lúa mì, gôm sterculia) hay bán tổng hợp (methyl cellulose) khi uống không bị hấp thu, có tính hút nước và trương nở làm tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột, làm cho phân mềm để dễ đẩy phân ra ngoài. Vì thuốc hút nhiều nước nên phải đảm bảo cho trẻ uống đủ nước như chỉ dẫn.
Thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu:
Thuốc có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài. Một số thuốc có bản chất đường như lactulose (Duphalac), sorbitol (Sorbitol), hoặc là hợp chất cao phân tử gọi là polymer là polyethylene glycol (Forlax).
Thuốc làm mềm phân:
Thường dùng qua đường trực tràng tức dùng bơm vào hậu môn. Thuốc có dạng ống bơm chứa dịch glycerol (Rectiofar)) bơm vào hậu môn khá thích hợp cho trẻ, nhưng lưu ý: không nên dùng quá thường xuyên vì thuốc có gây kích ứng niêm mạc trực tràng làm niêm mạc bị tổn thương.
Thuốc trị táo bón cho người lớn, tránh dùng tùy tiện cho trẻ
Đó là nhóm thuốc nhuận tràng kích thích: có khá nhiều thuốc là dẫn chất anthraquinon lấy từ thực vật dùng trong Tây y lẫn Đông y: cascara, sené (phan tả diệp), rhubarbe (đại hoàng), boldo, bourdain, aloès (lô hội). Nhiều thuốc chống chỉ định (tức không được dùng) cho trẻ dưới 15 tuổi.
Chất xơ làm tăng khối lượng phân, khiến mềm hơn và dễ tống ra ngoài
Các bậc cha mẹ lưu ý khi khi trẻ bị táo bón
- Đảm bảo bé có đủ thời gian mỗi ngày để đi vệ sinh mà không phải vội vàng.
- Khi trẻ bị táo bón, trong thời gian đầu có thể dùng thuốc trị táo táo bón trong thời gian ngắn như thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu (Duphalac, Forlax…) hoặc thuốc bơm hậu môn (Rectiofar) và dùng đúng theo chỉ dẫn (dược sĩ nhà thuốc, bản hướng dẫn sử dụng thuốc).
- Có thể cho trẻ dùng thêm men vi sinh hoặc thực phẩm như sữa chua (yaourt). Thực chất đây chứa những vi khuẩn có lợi cho đường ruột có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, giúp cho hệ miễn dịch tại đường ruột tăng cường hoạt động.
- Nên đưa trẻ đi khám nếu táo bón dai dẳng (trên một tuần), đi tiêu ra máu, trẻ mệt mỏi chán ăn, bụng chướng, đau bụng.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Theo suckhoedoisong.vn