Cập nhật: 29/06/2018 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thử nghiệm trong tháng 8/2018, sớm hơn so với dự kiến 1 tháng.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, vận hành thử nghiệm là giai đoạn quan trọng để căn chỉnh, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, an toàn khi khai thác thương mại; công tác kiểm định an toàn chất lượng, nghiệm thu, giải ngân cần được đẩy nhanh.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thử nghiệm trong tháng Tám tới đây, sớm hơn so với dự kiến 01 tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt sớm hoàn thiện, kết nối kỹ thuật để chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông trong tháng Tám tới đây, sớm hơn so với dự kiến (tháng 9/2018).

Báo cáo tại buổi làm việc, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, trong số 250,6 triệu USD (khoảng 5.725 tỷ đồng) vốn bổ sung đã được khơi thông từ đầu năm 2018, đến nay số chưa giải ngân vẫn còn tới hơn 200 triệu USD (khoảng 4.580 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhiều hạng mục của dự án hiện vẫn đang bị chậm tiến độ, nhất là hẹ thống điện phục vụ cho chạy tàu.

Đi vào từng vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Thể thẳng thắn chỉ ra, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có nhiều hạng mục chậm tiến độ. Cụ thể là việc hoàn thành nhà ga, kết nối, quy trình nghiệm thu, phối hợp của các đơn vị liên quan, chuẩn bị kiểm định vận hành an toàn hệ thống…

Đặc biệt hiện nay, vốn bổ sung 250 triệu USD đã được khơi thông nhưng tiến độ giải ngân chậm. Do đó ông Thể yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phải làm việc với nhà thầu để 15/7 phải đưa điện lưới quốc gia kết nối với hệ thống vận hành tàu.

Người dân Hà Nội tham quan tàu Cát Linh - Hà Đông.

“Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhà thầu phải đóng điện xong cho các đoàn tàu và tiến hành chạy thử. Trong quá trình vận hành kỹ thuật, nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phục vụ hành khách”, ông Thể chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị liên quan một mặt vận hành thử dự án theo tiến độ đã được Bộ GTVT chỉ đạo từ đầu năm, đồng thời nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục đang bị chậm.

Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Hà Nội rà soát lại chuyên gia, cán bộ, nhân viên đã được đào tạo để khi hoàn thiện vận hành trơn tru, hiệu quả cao tuyến đường sắt này.

“Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp chặt chẽ với tổng thầu để đưa dự án, các đoàn tàu vào chạy thử trong tháng 8/2018. Vận hành thử nghiệm là giai đoạn quan trọng để căn chỉnh, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, an toàn khi khai thác thương mại. Công tác kiểm định an toàn chất lượng, nghiệm thu, giải ngân cần được đẩy nhanh”, Bộ trưởng nói và ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị trong việc vận hành thử nghiệm tàu sớm hơn so với dự kiến (tháng 9/2018).

Ngoài ra, Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ phải phối hợp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước tiếp cận, tìm hiểu hồ sơ, thực tế…để giám sát, kiểm tra dự án.

Việc nghiệm thu đánh giá an toàn của hệ thống phải đặc biệt chú trọng từ khâu kiểm tra thiết kế đến thực tế để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu cho người và phương tiện.

Liên quan đến kiểm soát chất lượng an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện một đơn vị tư vấn của châu Âu đang thực hiện việc rà soát, đánh giá chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn thiết kế dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc.

Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC./.

Theo Phi Long/VOV.VN

Tệp đính kèm