Cập nhật: 04/12/2018 15:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để đảm bảo hệ thống lưới điện vận hành an toàn, cấp điện ổn định Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chủ động ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang diễn ra khá phổ biến.

Tại một công trình xây dựng nhà ở vướng vào hành lang an toàn lưới điện tại Thôn Dịch Đồng, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc. Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, từ vị trí dây điện thuộc đường dây 473, E25.6 cho đến trần ngôi nhà đang xây dở dang này chỉ cách chưa đầy một gang tay.

Còn tại cột số 1, nhánh rẽ Tam Hồng, huyện Yên Lạc, thuộc đường dây 479, E25.10 cũng bằng mắt thường có thể nhìn thấy, cột điện nằm sát ngay móng nhà của Anh Trần Kim Lương, thôn Phù Lưu, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc. Không chỉ có vậy, phía trên, đường dây “treo” lơ lửng sát mái tôn. Nguyên nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện của công trình xây dựng là vì trước kia việc cấp quyền sử dụng đất không trừ hành lang nên họ cứ thế xây hết diện tích được cấp.

Không riêng gì những công trình xây dựng riêng lẻ đang vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Một số nơi, việc thực hiện các dự án còn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật điện lực. Cụ thể, tại cột số 4B7, nhánh Mưu Duệ 2, lộ 474, E25.4, theo biên bản kiểm tra hiện trạng hành lang an toàn lưới điện Cao áp ngày 8/10/2018 của Điện lực Tam Đảo, đơn vị thi công đang san lấp mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngày 9/10/2018, điện lực Tam Đảo cũng đã có công văn số 404 đề nghị UBND huyện Tam Dương, UBND xã Kim Long và đơn vị thi công đình chỉ ngay việc thi công công, san lấp mặt bằng để xây dựng.

Ngay từ đầu năm 2018, Công ty điện lực Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng phương án, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện giảm thiểu vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và phân công nhiệm vụ cụ cho từng thành viên. Kiểm tra định kỳ hành lang tuyến và trạm biến áp, thay thế các thiết bị kém chất lượng trên lưới điện, hoàn thiện công tác sửa chữa, cải tạo lưới điện hạ thế, xây dựng mới các trạm biến áp phụ tải để chống quá tải lưới điện. 

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm túc việc nghiệm thu, đóng điện công trình, đảm bảo an toàn và chấp hành nghiêm các quy định tại Nghị định 14 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Đồng thời thường xuyên kiểm tra hành lang lưới điện để kịp thời phát hiện các vi phạm. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp có nguy cơ gây thiệt hại tài sản, tính mạng của nhân dân, gây sự cố mất điện ở diện rộng hoặc khu vực trọng điểm. Đặc biệt, việc duy trì khoán quản đường dây và trạm biến áp cho công nhân quản lý đã góp phần hạn chế các vi phạm hành lang lưới điện cao áp mới xảy ra.

Mặc dù ngành Điện và các cấp chính quyền tuyên truyền cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn còn một số hộ dân chưa thấy hết được những thiệt hại, nguy hiểm khi vi phạm khoảng cách an toàn. Chính vì vậy, vẫn còn tình trạng xây dựng, cải tạo, cơi nới, trong và gần khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

Rõ ràng những hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện đã đến lúc gióng hồi chuông báo động. Đáng nói, ở nhiều khu vực, người dân gây khó khăn, không cho cán bộ công nhân viên ngành Điện xử lý, loại bỏ các điểm vi phạm, chặt tỉa cây cao trong, ngoài hành lang có nguy cơ gây sự cố lưới điện truyền tải, vì cho rằng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Thậm chí, một số hộ dân sống trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện còn yêu cầu đền bù cao gấp nhiều lần so với quy định hiện hành, gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng và làm gia tăng số vụ vi phạm.

Tuy nhiên, tuyên truyền thôi là chưa đủ. Bởi một khi cơ quan thẩm quyền chưa có những biện pháp kiểm tra xử lý, chế tài đủ mạnh thì ý thức con người trong vấn đề bảo đảm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện vẫn là tồn tại đáng lo ngại.

Theo Nghị định số 14 ngày 26/2/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, dây dẫn dây trong cùng đến công trình phải có khoảng cách ngang tối thiểu lần lượt là 1m đối với dây bọc, 2m đối với dây trần; khoảng cách đứng tối thiểu là 3m.

Cùng với quá trình đô thị hóa, các công trình được xây dựng kiên cố, cao tầng, tại các khu dân cư, người dân cơi nới nhà cửa, trồng cây cối chưa đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện. Đây là nguy cơ gây chập điện, cháy nổ, mất an toàn hành lang lưới điện, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản con người.

Cùng với sự nỗ lực của ngành điện, các cấp ủy đảng chính quyền các địa phương và mỗi người dân nâng cần cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định về an toàn lưới điện, có những việc làm thiết thực, cụ thể chung tay với ngành điện trong việc tiết kiệm điện và bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình./.

Mạnh Quân

Tệp đính kèm