Cập nhật: 09/02/2019 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tết sớm, Tết vui, Tết no đủ, Tết sung túc, Tết… hưởng thụ. Đó là thực tế trong bối cảnh hiện nay, khi mức sống được nâng lên, nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi được đáp ứng. Cộng với sự giữ gìn đáng mừng: Giữ Tết - giữ phong tục cổ truyền đẹp đẽ của dân tộc, vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa phù hợp xu hướng hiện đại hóa cũng như xu thế đổi mới, hội nhập.

Nhưng không thể không nói đến, một sự cần thiết cấp bách, cũng là nhu cầu của đông đảo người dân được hưởng Tết, mong muốn hưởng Tết như một niềm hạnh phúc quý giá của cả một năm ròng. Đó là: Tết an toàn!

Mong muốn ấy, cũng ẩn chứa nỗi lo lắng, cả sự phấp phỏng, trước nguy cơ xảy ra những điều không mong muốn khi Tết đến, Xuân về. Mà những nguy cơ, hậu quả xảy ra, nhiều khi phải tính bằng mức độ tính mạng con người, chứ không chỉ dừng ở sự hao hụt của cải. Tết đến, vui Tết, nhưng nhiều năm nay chỉ ngay sau vài ngày đầu năm âm lịch, người dân đã giật mình với số người tử vong do tai nạn giao thông. Rồi những thông tin báo chí phản ánh về những vụ xô xát, ẩu đả do chè chén, do cờ bạc, do va chạm… dẫn tới mất mát, tổn hại đáng tiếc về mạng người, sức người. Lại cả những vụ hỏa hoạn thường xảy ra vào dịp Tết, ngay sau những ngày nghỉ Tết, trong sinh hoạt, trong việc bảo quản hàng hóa, gây thiệt hại lớn về tài sản. Thậm chí, ngay trong những việc tưởng chừng đơn giản như việc đi thả cá phóng sinh, cũng có người… chết đuối.

Tết an toàn, đang, và thật sự sẽ trở nên một nhu cầu lớn của đông đảo công chúng, trong hoàn cảnh mà ai cũng tưởng như mình, gia đình mình rất giữ gìn, rất cẩn trọng, rất đề phòng. Và cả khi, các cơ quan chức năng trong ngành giao thông, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy… đã tích cực tuyên truyền sâu, rộng, luôn nêu cao tinh thần chỉ đạo, cảnh giác, giám sát, thanh kiểm tra, với mục tiêu cao nhất vì sự đi lại thuận lợi, an toàn của người dân, vì một Tết Kỷ Hợi 2019 đầm ấm, lành mạnh, văn minh.

Những nguy cơ tổn thất, các câu hỏi, đã trở nên vấn đề nổi cộm mỗi dịp Tết đến Xuân về cho thấy yêu cầu cấp thiết cần tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, trong việc chống lại sự lơ là, hình thức của công tác kiểm tra, giám sát, xử lý. Đặc biệt, là việc tự nâng cao ý thức, trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác với mỗi gia đình, người dân nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng như giữ gìn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình và của người khác. 

Theo QUANG HƯNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm