Trong bối cảnh hiện nay, biển và đại dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế. Thế kỷ 21 được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Nhận thức rõ tầm quan trọng nêu trên, thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, vào năm 2045.
Các bạn trẻ dọn rác thải ở ven biển TP Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: KIM ANH
Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài 3.260 km từ bắc xuống nam và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn một triệu km2, với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhờ vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển. Mặc dù trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ; tuy nhiên, quá trình phát triển ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức như: gây tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách. Đáng lo ngại, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển ngày càng suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế; đồng thời chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do nhận thức về phương thức bảo vệ và phương pháp quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về biển và trong việc tổ chức còn nhiều hạn chế như thể chế, chính sách về biển, đảo chưa đồng bộ, thiếu các quy định chi tiết, khả thi, một số chủ trương lớn chưa được thể chế hóa kịp thời. Nhận thức về vai trò, vị trí biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn có những khái niệm khác nhau về kinh tế biển, chưa coi trọng liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển, ven biển. Đầu tư cho nghiên cứu, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nhất là công tác đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân đang sinh sống tại các khu vực ven biển; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển chưa sâu rộng dẫn đến chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay.
Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại, cũng như giảm những thách thức và nguy cơ đối với tài nguyên và môi trường biển ở nước ta, Hội nghị T.Ư 8 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động ứng phó BĐKH, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cho từng lĩnh vực về: kinh tế biển, xã hội, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; môi trường, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trình Chính phủ ban hành. Theo đó, cần bảo đảm yêu cầu thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, tính bền vững trong phát triển kinh tế biển Việt Nam, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam; tạo được sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo; bảo đảm tính khả thi trong hoạt động và sử dụng nguồn lực phù hợp bối cảnh trong nước và quốc tế. Thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế về biển, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982… Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; phát triển nguồn nhân lực biển; ứng phó với thiên tai, BĐKH và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế…
Để thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra, phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật về quản lý nhà nước về biển, đảo; kiện toàn tổ chức nhằm hiện thực hóa nguyên tắc “quản lý tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước đối với biển, đảo” đã đề ra. Thực hiện tốt việc quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, nhằm bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Thực hiện cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lý trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Trên cơ sở quy hoạch không gian biển, sẽ tăng cường kiểm soát phát triển kinh tế biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường biển, tránh lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp người dân về vị thế, vai trò và tiềm năng của biển; về chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; xây dựng và quảng bá “Thương hiệu biển Việt Nam”; chủ động nghiên cứu các tác động của BĐKH và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thích ứng và giảm đến mức thấp nhất các tác động do BĐKH gây ra. Đồng thời, tăng cường năng lực giám sát, quan trắc, kéo giảm và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo ở nước ta một cách chủ động và hiệu quả.
TS TẠ ĐÌNH THI TỔNG CỤC TRƯỞNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM
Theo nhandan.com.vn