Tuổi xuân tràn đầy sức sống, phơi phới niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên, ở tuổi cao, nhiều người chỉ mong ước sang năm mới có sức khỏe và không mắc bệnh tật.
Ngày nay nhờ những tiến bộ trong y học mà tuổi thọ con người ngày càng cao, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng nhiều. Khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người ta không những lưu ý đến tuổi thọ mà còn phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Không nên bi quan về tuổi già
Già là một hiện tượng tự nhiên, liên quan chặt chẽ với quá trình biệt hóa và trưởng thành. Tăng trưởng và thoái triển kế tiếp nhau theo một quy trình của sự phát triển sinh - lão - bệnh - tử cho từng cá thể. Không ai là không trải qua những giai đoạn này. Nhưng tốc độ của sự phát triển theo chương trình không giống nhau và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nội tại và ngoại lai.
Nói một cách khác, tuổi già là không tránh được, nhưng quá trình rất khác nhau về thời gian và về biểu hiện. Già có thể đến sớm dẫn nhanh đến lão suy. Nhưng già cũng có thể đến muộn, tốc độ già chậm và người trông vẫn còn trẻ, khỏe, cả khi tuổi đã cao. Người ta có thể vẫn nhiều tuổi nhưng chưa già. Nhận xét đó làm nhiều nhà khoa học nghiên cứu lão khoa tin rằng có thể có những biện pháp kéo dài tuổi thọ mà vẫn sống khỏe mạnh.
Để xác định thế nào là già, các nhà khoa học đã nghiên cứu qua các số liệu điều tra dân số của các nước trên thế giới, có thể phân chia các giai đoạn tuổi của cuộc đời được chia ra các giai đoạn sau: Giai đoạn phát triển, được tính từ lúc mới sinh đến 20-22 tuổi; Giai đoạn thanh niên được tính từ 22-45 tuổi; Giai đoạn trung niên được tính từ 46-59 tuổi; Thời kỳ trước già được tính từ 60-80 tuổi; Thời kỳ già có 2 thời kỳ, thời kỳ già còn hoạt động là 80-94 tuổi; thời kỳ già hẳn từ 95 tuổi trở lên. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới sắp xếp các lứa tuổi như sau: 45-59 tuổi ở giai đoạn trung niên; 60-79 tuổi là người có tuổi; 75-90 tuổi là người già; 90 tuổi trở lên người già sống lâu.
Các vấn đề thường gặp ở người già
Bước sang tuổi già người ta thường đối mặt với nhiều bệnh tật, dưới đây là một số vấn đề hay gặp ở người cao tuổi.
Thoái hóa khớp: Đây là tình trạng phổ biến, ở Mỹ cứ 6 người có 1 người bị thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp xảy ra khi các chất lỏng và sụn trong khớp bị mòn, khiến xương tiếp xúc trực tiếp với nhau, gây đau đớn. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở khớp cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối, khớp ngón tay và các nơi khác như khớp hông, đầu gối, cổ tay... Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp. Vì thế, đừng ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để được giúp đỡ nếu bạn bị đau xương khớp.
Loãng xương: Xương khỏe rất quan trọng đối với người cao tuổi. Khi có tuổi, quá trình mất chất xương nhanh và nhiều hơn quá trình tạo xương. Do đó, xương có xu hướng mỏng và yếu hơn, gọi là loãng xương. Xương sẽ dễ gãy khi bị ngã, thậm chí khi tham gia hoạt động hàng ngày. Phần lớn người bệnh không có triệu chứng rõ rệt, chỉ đến khi bị gãy xương mới phát hiện bệnh. Vì vậy, hãy kiểm tra mật độ xương (DEXA scan) thường xuyên để phát hiện loãng xương và có hướng điều trị thích hợp từ sớm.
Đãng trí: Cùng với tuổi thọ tăng là tình trạng giảm sút trí nhớ và nặng hơn là tình trạng sa sút trí tuệ. Trong đó thường gặp nhất là sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer. Đây là một bệnh tiến triển của não bộ và không thể phục hồi. Các nhà nghiên cứu ước tính có đến 2,4 - 4,5 triệu người trên 60 tuổi ở Mỹ bị mắc bệnh Alzheimer. Nếu thấy người già hay quên, không thể nhớ điều cơ bản nhất như tên người quen, hãy đưa họ đi khám bác sĩ lão khoa hay chuyên khoa nội thần kinh để đánh giá tình trạng nhận thức và có hướng điều trị sớm, phòng ngừa sớm sa sút trí tuệ.
Dễ té ngã: Người già dễ té ngã do nhiều nguyên nhân. Thường gặp nhất là rối loạn chức năng giữ thăng bằng, do tụt huyết áp khi thay đổi tư thế. Bên cạnh đó là do các bệnh lý phối hợp như tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu não, bệnh tim mạch, bệnh cơ xương khớp và do sử dụng quá nhiều thuốc.
Do vậy, người cao tuổi cần lưu ý việc sử dụng thuốc, điều trị tốt các bệnh phối hợp. Và chú ý môi trường sống xung quanh như lưu ý các gờ, bậc, dùng các dụng cụ hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày như tay vịn, gậy chống... để giảm thiểu nguy cơ té ngã trong sinh hoạt hàng ngày.
Khao khát tìm giấc mơ sống lâu hơn, khỏe hơn
Sống lâu hơn, khỏe hơn, thậm chí sống mãi trong một cơ thể không biết đến bệnh tật, suy yếu do tuổi già... Đi tìm giấc mơ trường sinh ấy luôn là khao khát của nhân loại, chính vì thế mà các nhà nghiên cứu đã không ngừng nghỉ kiếm tìm và việc này có vẻ như đã dần đem lại thành quả.
Loài người đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần 4 hiện nay là kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học tức trí tuệ nhân tạo. Điều này ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực trong đó cả y dược học. Vì vậy, ngày nay y học phát triển nhiều loại bệnh nguy hiểm đều có thể phát hiện được sớm và chữa khỏi. Chính vì lẽ đó, việc khám sức khỏe định kỳ là điều vô cùng quan trọng với tất cả mọi người, trong đó có người cao tuổi.
Nhiều nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, ngoài việc khám sức khỏe định kỳ để dự liệu các vấn đề về sức khỏe thì việc mọi người cần thực hiện là có một cơ thể đủ dinh dưỡng thiết yếu. Thực phẩm phải sạch, hạn chế các tác nhân gây hại vào cơ thể, cần được thanh lọc cơ thể và hít thở đúng cách. Ngồi tĩnh lặng 5 phút trước khi đi ngủ, mỗi ngày trong chế độ dinh dưỡng hãy lưu ý chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau củ quả tươi sống, hạn chế dầu mỡ, thức ăn nhanh, bia, rượu, thuốc lá và uống đủ nước, chủ động nâng cao sức đề kháng bằng các loại hoa quả giàu vitamin C; chủ động nâng cao sức khỏe bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày là rất cần thiết.
Sự bất tử của con người là cần sống lành mạnh. Đừng chờ có bệnh mới “vái tứ phương” mà nên ý thức rèn luyện, cải thiện sức khỏe ngay khi đang trong thời kỳ sung sức hoặc trước khi cảm nhận được dấu hiệu sức khỏe suy giảm. Nhưng sinh - lão - bệnh - tử ai mà không trải qua. Để giải quyết nỗi băn khoăn, lo lắng cho những ai đã bước vào tuổi sắp già, hãy sống vui, sống khỏe, sống có ích, đảm bảo tốt chế độ làm việc, chế độ sinh hoạt và tập luyện đều đặn, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện, ngăn ngừa và điều trị sớm bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn