Cập nhật: 27/03/2020 09:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sa tạng chậu là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn đường tiểu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục,… của phụ nữ nhưng hầu hết chị em lại xấu hổ, có tâm lý mặc cảm, ngại đi khám, khiến bệnh càng trầm trọng.

Ảnh hưởng tới 40% phụ nữ trên 40 tuổi

Sa tạng chậu là bệnh thường xuất hiện ở các chị em phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh, mang thai, sinh con nhiều lần, từng phẫu thuật vùng chậu, béo phì, làm việc nặng, mắc chứng táo bón mạn tính và có bệnh lý về hô hấp. Sa tạng chậu không chỉ khiến người bệnh phải chịu tổn thương về sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý. Thống kê của Hội Sàn chậu TP. Hồ Chí Minh cho thấy, bệnh lý sa tạng chậu ảnh hưởng tới 40% phụ nữ trên 40 tuổi.

Sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua âm đạo hoặc hậu môn như sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu, gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu, đại tiện.

Khi mắc sa tạng chậu, người bệnh sẽ gặp phải nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý như: Xuất hiện khối phồng thò ra khỏi âm đạo; đau lưng dưới hoặc tức nặng vùng chậu; ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là ra huyết sau mãn kinh; són tiểu, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, hay bị nhiễm trùng niệu tái phát; quan hệ tình dục đau đớn hoặc khó khăn; đại tiện khó, đại tiện tắc nghẽn, phải móc tay, ấn tay, thụt tháo. Do e ngại nên nhiều phụ nữ mắc bệnh cảm thấy mặc cảm, tự ti, chịu đựng tình trạng bệnh kéo dài dẫn tới việc đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.

Sa tử cung là một biểu hiện của rối loạn chức năng sàn chậu

Các triệu chứng cần đi khám

Sa tạng chậu chia làm 3 nhóm: sa khoang trước (gồm sa niệu đạo và bàng quang), sa khoang giữa (sa tử cung hay mỏm cụt âm đạo nếu đã cắt tử cung) và sa khoang sau (túi sa trực tràng, sa trực tràng). Bệnh nhân có thể bị sa một hay nhiều cơ quan đáy chậu và ở nhiều mức độ khác nhau.

Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh sẽ bị són tiểu (tiểu không kiểm soát) làm hạn chế giao tiếp xã hội. Còn khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng, tình trạng sa ra ngoài âm đạo sẽ gây viêm nhiễm thành âm đạo và cổ tử cung, khó đi tiểu, khó đi cầu; nhiều trường hợp gây chèn ép niệu quản gây thận ứ nước. Các triệu chứng điển hình của bệnh thường là đau vùng âm đạo, đau lưng dưới, tiểu không kiểm soát, tiểu khó, đi tiêu khó… Theo thời gian, diễn tiến bệnh thường sẽ ngày càng nặng hơn khiến người bệnh đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.

Làm thế nào để điều trị sa tạng chậu?

Để điều trị bệnh sa tạng chậu hiệu quả, chị em phụ nữ cần có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, rau quả ngăn ngừa táo bón; duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để cơ thể béo phì; thực hành bài tập Kegel nhằm tăng cường sức co cơ sàn chậu và luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn.

Ngoài ra, chị em có thể tập luyên cơ sàn chậu với máy siêu âm, máy hướng dẫn tập hoặc kích thích điện cơ để nhận biết nhóm cơ cần tập, tập luyện vật lý trị liệu ruột, bàng quang để giúp kiểm soát tiêu tiểu. Điều trị thuốc khi có viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo.

Bên cạnh đó, sử dụng vòng nâng điều trị sa tạng chậu cũng là một phương pháp hiệu quả. Khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, chị em cần đến cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ có chuyên môn chỉ định can thiệp phẫu thuật phù hợp.

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm