Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19, đến nay nhiều DN đã sớm lấy lại tâm thế và có chiến lược sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Trong dịch Covid-19, các DN Việt Nam thời gian qua đã phải đối mặt với “khó khăn kép”: Vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các quý, năm tiếp theo. Nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN vừa và nhỏ.
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng ngày 9/5, nhiều DN đã tập trung đề xuất với Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp thiết thực, kịp thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh tăng phát triển nền kinh tế.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VSSEP) cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Chuỗi cung ứng cả nguyên liệu lẫn thành phẩm đứt gãy, dòng hàng và dòng tiền thiếu hụt, ùn ứ, tồn kho gây nhiều khó khăn cho DN. Tuy vậy, ông Hòe nhận định ngành xuất khẩu thủy sản đã vượt qua Covid-19 và đang hướng tới phục hồi nhanh, phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay không bị sụt giảm so với 2019.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ, trong dịch Covid-19 mức độ suy giảm của ngành dệt may Việt Nam khoảng 50%. Đây chính là nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ cũng như sự sáng tạo của DN, từ đó hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường.
“Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành dệt may còn rất khó khăn, mặc dù tập đoàn đã áp dụng mọi nỗ lực làm giảm tổn thất, nhưng không duy trì được hiệu quả như 2019. Hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2020 giảm khoảng 50%, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu cũng giảm khoảng 25%”, ông Trường cho biết.
Để đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ DN, ông Trường đề xuất các cách tiếp cận ít có các bước xét duyệt thủ công dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy đang có. Trong đó đề nghị miễn BHXH và Công đoàn phí năm 2020 (từ tháng 5 -12).
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần có phương pháp đánh giá hết sức linh hoạt đối với DN. Ngân hàng cần chủ động cho DN giãn các khoản nợ đầu tư đến hạn trả gốc. Đối với các dự án dở dang, các tham số của dự án có thể thay đổi hay xấu đi do dịch bệnh, nhưng các ngân hàng cần duy trì giải ngân đúng tiến độ.
Để có đủ tâm thế cho DN sau dịch Covid-19 và trước thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ông Trường đề nghị các Bộ, ngành chuẩn bị các hướng dẫn và thông tư nhanh nhất, để khi Hiệp định được Quốc hội phê duyệt sẽ triển khai được ngay, doanh nghiệp mới có thời cơ thu được lợi ích “vàng”.
DN cần các biện pháp can thiệp hài hòa
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, EVN vẫn triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong tháng 4/2020, EVN vừa thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện trên toàn quốc.
“Công tác đầu tư các dự án điện của Tập đoàn cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh, đặc biệt việc cung cấp vật tư thiết bị và các chuyên gia nước ngoài hạn chế nhập cảnh. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nên đã đưa vào vận hành thương mại một số dự án điện mới, đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ điện trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia”, ông Thành thông tin.
Theo ông Thành, sau khi Thủ tướng chỉ đạo giảm giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hổi, nên nhu cầu điện tăng trở lại, trong đó điện sản xuất toàn hệ thống bình quân ngày trong tuần đầu tháng 5/2020 tăng 15% so với tháng 4/2020.
“EVN đã xây dựng kế hoạch để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại với nhu cầu điện theo đúng kế hoạch đầu năm. Tập đoàn cam kết đảm bảo đủ điện cho hoạt động sản xuất khi tái hoạt động và mở rộng quy mô, giải tỏa hết các nguồn điện cũng như cập nhật tính toán cân bằng cung cầu điện giai đoạn 2021-2025”, ông Thành khẳng định.
Để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc góp phần phục vụ hồi sản xuất và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh phối hợp với các đơn vị điện lực tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện. Đồng thời, EVN cũng đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, góp phần bổ sung thu nhập của người dân để giải quyết một phần khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO), sau đại dịch, Nhà nước cần có trách nhiệm hỗ trợ DN bị khủng hoảng và ưu tiên cho thành phần DN dễ bị tổn thương, các DN nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp.
Do các DN sản xuất kinh doanh trong dịch sẽ có lãi, lỗ khác nhau, chính vì thế Chủ tịch Thaco kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp điều hành tổng thể phục hồi kinh tế, bằng các biện pháp can thiệp hài hoà và giải quyết khó khăn trước mắt. Khuyến khích tinh thần đổi mới, mục tiêu chung tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp kinh tế thị trường./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN