Trong dân gian, khóc dạ đề (KDĐ) là chỉ một tình trạng khóc dai dẳng một cách quá mức mà không có lý do rõ ràng trong 3 tháng đầu đời, làm cho cha mẹ lo lắng và cần giúp đỡ.
Với y khoa, KDĐ là tình trạng bé khóc thét hoặc khóc kèm những biểu hiện bất ổn (co cứng người, bứt rứt, ưỡn người) nhiều lần trong khoảng thời gian dài mà không một nguyên nhân rõ ràng. Có thể dựa vào các dấu hiệu, triệu chứng sau đây để chẩn đoán KDĐ:
Quy luật số 3: Khóc nhiều hơn 3 giờ/ngày, nhiều hơn 3 ngày/tuần, kéo dài trên 3 tuần.
Bao gồm 4 đặc điểm thêm vào là : Cơn bộc phát; Mức độ khác với khóc thông thường; Tăng trương lực cơ: co cứng, ưỡn người; Không thể dỗ nín khóc.
Khóc dạ đề khởi phát sớm thời gian ngắn ngay sau sinh. Ngoài cơn KDĐ trẻ bình thường.
Vì sao trẻ khóc dạ đề?
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ KDĐ ở trẻ trai và trẻ gái là 1/1, cũng không có sự khác biệt giữa trẻ bú mẹ và sữa công thức, cũng như non tháng và đủ tháng. Có mối liên hệ giữa KDĐ và mối quan hệ hôn nhân bất ổn, mức chịu đựng cha mẹ đối với stress, thiếu tự tin trong chăm sóc thai kỳ, stress của gia đình.
Trẻ khóc có thể do rất nhiều nguyên nhân từ kim băng cài tã lót đâm vào da đến các nguyên nhân thực thể như trào ngược dạ dày thực quản, chướng bụng, táo bón, thoát vị bẹn, lồng ruột, thuốc quá liều, tắc nghẽn đường tiểu, bệnh tưa miệng, viêm tai giữa, chấn thương, viêm tủy, viêm màng não... Có nhiều giả thiết về bệnh nguyên KDĐ nhưng được chấp nhận nhiều nhất là giả thiết do rối loạn về dạ dày ruột.
Làm thế nào để xác định chẩn đoán khóc dạ đề?
Khóc dạ đề là một chẩn đoán thường được xác nhận sau khi hồi cứu các đặc điểm lâm sàng đặc trưng của nó. Tuy nhiên, đó là chẩn đoán loại trừ và phải được phân biệt với các nguyên nhân thực thể.
7 câu hỏi sau cần được đặt ra cho gia đình trẻ:
1. Khóc xảy ra khi nào và kéo dài bao lâu?
2. Bạn làm gì khi bé khóc?
3. Tiếng khóc nghe như thế nào? Có phải như trẻ đau hay đói không?
4. Bạn cho bé ăn uống gì và cho như thế nào?
5. Bạn cảm thấy thế nào khi bé khóc?
6. Trẻ khóc dạ đề đã ảnh hưởng đến gia đình bạn như thế nào?
7. Giả thuyết của bạn về lý do tại sao em bé khóc?
Khám:
• Đánh giá tăng trưởng theo mẫu để tìm độ lệch so với các mẫu bình thường
• Đánh giá sự mất nước và mỡ dưới da (để đánh giá mức độ đầy đủ của việc cho ăn)
• Khám: đầu mặt cổ, tim phổi, tiêu hóa, bẹn, tinh hoàn, tứ chi, da...
• Đánh giá tính khí và khả năng đáp ứng với các kích thích (trẻ sơ sinh có khóc khi chạm vào hoặc cử động không?)
• Đánh giá các nguyên nhân thực thể của khóc kéo dài ở trẻ sơ sinh
Cận lâm sàng: Không có xét nghiệm trong trường hợp điển hình, chỉ xét nghiệm khi đánh giá có nguyên nhân thực thể.
Điều trị khóc dạ đề cho trẻ
Điều trị dựa vào bệnh sử, khám lâm sàng và môi trường ảnh hưởng. Mục đích chính là giúp cha mẹ đối phó với KDĐ và ngăn ngừa hậu quả xấu trong mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ. Nguyên tắc là điều trị triệu chứng và hỗ trợ, điều trị nguyên nhân thực thể (nếu có)
Điều trị triệu chứng và hỗ trợ:
Hướng dẫn cho mẹ cách nuôi con bằng sữa mẹ: tư thế bú đúng, ngậm bắt vú tốt.
Cách cho bé bú bình: Cho bé ăn ở tư thế thẳng đứng (sử dụng bình cong) kết hợp với việc vỗ lưng ợ hơi thường xuyên có thể làm giảm không khí nuốt.
Giải thích cho bố mẹ hiểu các cảm xúc mà bố mẹ có thể gặp phải khi trẻ KDĐ như nản chí, nóng giận, mệt mỏi, tội lỗi, và vô dụng... Cố gắng nghỉ ngơi và trao trẻ cho người khác trông con khi bạn stress.
Chế độ ăn và thuốc của mẹ: tránh những chất kích thích (trà, café, sôcôla, thuốc chống sung huyết mũi...)
Sữa cho bé: lựa chọn sữa giảm dị ứng (pregestimilk) hay sữa soy infant milk, được cho là giảm KDĐ cho trẻ.
Giảm kích thích trẻ: ngậm núm vú giả, đu đưa võng hay nôi, quấn bé, massage bụng... cũng được cho là giúp ích trong chăm sóc trẻ KDĐ.
Probiotic được chứng minh lâm sàng là giảm KDĐ, sử dụng trong 1 - 4 tuần.
Thuốc có thể sử dụng cho trẻ: simethicone. Antispasmodics (Dicyclomine) có thể giảm KDĐ nhưng chống chỉ định trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Không khuyến cáo sử dụng thuốc an thần.
Khóc dạ đề có ảnh hưởng thế nào tới trẻ?
Khóc dạ đề thường ngưng lại một cách bí ẩn như khi nó bắt đầu. Các triệu chứng được giải quyết 60% khi trẻ 3 tháng tuổi và 80 - 90 % khi trẻ 4 tháng tuổi. KDĐ làm rối loạn sự tương tác giữa cha mẹ và con cái và do đó có ảnh hưởng lâu dài đến gia đình và trẻ em.
Tính cách và hành vi: trẻ có tiền sử KDĐ dễ nóng tính và nổi cơn thịnh nộ
Hen suyễn và dị ứng: Có mối liên quan giữa KDĐ và đau bụng tái phát và các rối loạn dị ứng, như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, chàm dị ứng và dị ứng thực phẩm.
Phát triển nhận thức: KDĐ dường như không ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức lâu dài.
HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TẠI NHÀ
Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ
Đặt trẻ nơi yên tĩnh, thoáng mát
Hướng dẫn cách cho bú đúng, vỗ lưng ợ hơi
Vệ sinh tay trước khi chăm sóc bé
Tránh stress gia đình
Hướng dẫn tái khám và khi có dấu hiệu báo động: Cơn KDĐ kéo dài hơn 6 giờ. Trẻ lừ đừ, ngủ li bì, bú kém sau cơn KDĐ.
Theo suckhoedoisong.vn