Cập nhật: 22/10/2020 17:34:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, sáng 22/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự phiên họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc có ông Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh, cùng các ông, bà đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tập trung thảo luận vào một số nội dung, như: Xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính.

Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh môi trường, trật tự an toàn xã hội.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 4 Điều. Những nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung hình thức xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; lập biên bản vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần xác định phạm vi điều chỉnh Điều 1 của Luật này không bao gồm các thỏa thuận quốc tế về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về nội dung viện trợ phi chính phủ, về nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Về ký kết thỏa thuận quốc tế, cần quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế để đảm bảo sự thống nhất.

Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 46. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 7 chương, 52 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế./.

Lưu Trường