Cập nhật: 27/11/2020 14:28:00
Xem cỡ chữ

Sáng 27/11, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh có buổi thẩm tra Tờ trình của UBND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng, Tỉnh ủy viên, Úy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi thẩm tra.

 

Theo Tờ trình số 113 của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tổng số 48 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Tuy nhiên có nhiều công trình không hoạt động hoặc hoạt động không bền vững. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 13 %; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ lẻ đạt 47%. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để hỗ trợ để người dân được hưởng nguồn nước sạch từ các nhà máy nước.

Theo Tờ trình số 119 của UBND tỉnh cho biết kinh tế nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng và chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 24% năm 1997 lên 51% năm 2019; chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho nông nghiệp và nâng thôn được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như: Diện tích sản xuất bị thu hẹp dần; giá cả thị trường không ổn định; lực lượng lao động chuyển dịch mạnh sang các lĩnh vực khác… Sản xuất còn manh mún; sự đầu tư của người dân vào nông nghiệp chưa cao, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức… Từ thực tế trên cho thấy, cần phải có Nghị quyết cụ thể để UBND tỉnh triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Kết luận buổi thẩm tra, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Thắng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, rà soát lại số liệu, các chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế. Phối hợp với các cơ quan chức năng bổ xung một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, mức đầu tư. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu kỹ để khi đưa ra Nghị quyết sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phục vụ và nâng cao đời sống của người dân./.

Trường Giang