Xác định nông nghiệp là ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến nhanh chóng cho sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Trong đó điển hình như Nghị quyết 201 và Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh về thực hiện các chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để nâng cao giá trị đàn bò, gia đình ông Văn Tiến Thắng, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch đã chủ động chuyển từ chăn nuôi bò thịt thông thường sang nuôi giống bò BBB. Nhờ được sự giúp đỡ của cán bộ nông nghiệp địa phương, gia đình ông được tiếp cận nguồn tinh bò BBB chất lượng cao, theo chương trình hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh để lai tạo đàn bò. Với những ưu điểm vượt trội nên thông qua phát triển đàn bò lai 3B, kinh tế của gia đình ông ngày một phát triển.
Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp Vĩnh Phúc những năm qua phải kể đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Những mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản có hiệu quả kinh tế vượt trội ngày một nhân rộng và lan tỏa, tạo thế phát triển năng động cho ngành nông nghiệp. Đến nay, đàn bò thịt của tỉnh đạt trên 90% là bò lai Sind, lai Brahman, B.B.B, khối lượng khi bò trưởng thành trung bình đạt khoảng 400 kg/con, đối với đàn bò sữa năng suất sữa đạt 6 tấn/chu kỳ/con, thời gian vắt sữa 300 ngày. Toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 98.000 ha các giống lúa cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, chiếm 75% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh.
Có thể khẳng định những kết quả đạt được từ quá trình thực hiện Nghị quyết số 201 và Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về chính sách tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân Vĩnh Phúc đã tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hơn thế nữa, quá trình triển khai Nghị quyết đã tạo ra những người nông dân có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và đã thực sự làm giàu ngay trên đồng đất quê hương./.
Đặng Thưởng