Ngũ hổ là một bức tranh dân gian nổi tiếng thuộc dòng tranh Hàng Trống thường được trưng trong những gian thờ, đình, chùa, miếu mạo. Ngày nay, tranh ngũ hổ đã được các nghệ sĩ trẻ sáng tạo theo cách mới mẻ, thú vị, mang hơi thở hiện đại và gần gũi hơn với đời sống.
Ngũ hổ diện mạo mới gần hơn với cuộc sống
Trong tiềm thức dân gian, “Ông ba mươi” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ, đình, chùa, miếu mạo. Trong bức tranh ngũ hổ Hàng Trống, hình tượng của 5 con hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con một dáng vẻ: Con đứng, con ngồi, con cưỡi mây lướt gió… Từ dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ cưỡi mây đến những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của “chúa sơn lâm”. Bức tranh hội đủ 5 sắc màu tượng trưng của ngũ hành, tương ứng với từng thế, dáng của hổ. Các nghệ nhân tranh Hàng Trống còn tô vẽ thêm các đám mây ngũ sắc với các đường cong gãy khúc nối nhau, lớp trong, lớp ngoài cuồn cuộn gợi cảm giác thần bí, thiêng liêng. Đây cũng là nét đặc sắc của tranh Tết, tranh thờ.
Họa sĩ Xuân Lam với bức tranh dân gian ngũ hổ phiên bản mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Là một họa sĩ trẻ thế hệ 9X, ngay từ khi còn là sinh viên, Xuân Lam đặc biệt bị cuốn hút bởi nét đặc sắc, tinh hoa của dòng tranh dân gian. Họa sĩ cho biết, ý tưởng bắt đầu khi anh tình cờ lạc vào khu trưng bày tranh truyền thống tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bị hấp dẫn bởi lối tạo hình trong những bức vẽ của nghệ nhân xưa, đặc biệt là bức tranh ngũ hổ Hàng Trống, anh quyết định vẽ lại bức tranh dân gian ngũ hổ, và đó chính là khởi đầu cho dự án “Vẽ lại tranh dân gian” sau này. Khi bắt tay vào vẽ, điều Xuân Lam băn khoăn là nên giữ màu gốc hay tạo màu mới cho tác phẩm. Để hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại, anh quyết định giữ lại hầu hết phần tạo hình theo nguyên bản gốc của nghệ nhân và thêm một vài chi tiết nhỏ để trang trí cho bức tranh. Vẽ tay bằng chì trên giấy, sau đó xử lý màu bằng máy tính để tạo hiệu quả thị giác mới mẻ, hiện đại, đan xen giữa thô ráp và mềm mại.
Họa sĩ chia sẻ: “Tôi rất thích vẽ nên thay vì sử dụng kỹ thuật in - ép ván ngày xưa, tôi vẽ lại tranh bằng chì nhằm giữ sự mộc mạc, thô ráp của chất liệu chì và tạo một kiểu phối màu lạ hơn”. Tranh dân gian ngũ hổ có 5 màu tượng trưng ngũ hành, còn Xuân Lam muốn vẽ một phiên bản khác gần gũi hơn, đời thường hơn chứ không phải là bức tranh thờ nên chỉ phối 3 màu chính là: đỏ cam, xanh, vàng, ngoài ra có 2 màu phụ là màu nâu và be lấy cảm hứng từ hòa sắc màu của tranh Đông Hồ phát triển lên. Bức tranh “Ngũ hổ” mang dấu ấn của họa sĩ trẻ Xuân Lam không chỉ gây ấn tượng trong giới mỹ thuật mà còn cuốn hút nhiều bạn trẻ tìm hiểu dòng tranh dân gian này.
Khi bắt tay vào vẽ lại tranh dân gian ngũ hổ, Xuân Lam chỉ nghĩ là mình khám phá và thử nghiệm một kỹ thuật mới giữa việc kết hợp giữa vẽ tay và đồ họa màu - là cách chưa ai làm - để mang lại cảm giác mới mẻ, hiện đại cho người xem, chứ chưa hề nghĩ đến việc phục dựng dòng tranh dân gian. “Tranh dân gian rất phổ biến, lại quen thuộc, gần gũi với mọi người nên ai cũng có thể hiểu và cảm nhận. Nhưng chính bởi chúng đã quá quen thuộc, thậm chí là bất hủ mà vì thế, nhiều người cho rằng tại sao phải vẽ lại, phải cách tân làm gì khi ban đầu tranh đã rất đẹp, lại là nét đặc sắc riêng của mỗi làng nghề. Và hơn hết, biến tấu như thế nào, vẽ như thế nào để vừa giữ cái hồn dân gian, vừa thể hiện được cái tôi sáng tạo, là vẽ lại chứ không phải sao chép”, họa sĩ chia sẻ.
Trước đây, tranh dân gian thường được treo trong nhà vào những ngày Tết vì có màu sắc tươi vui, rộn rã, “màu sắc biết nhảy múa” theo nhịp phách ngày Tết. Tuy nhiên, mong muốn của Xuân Lam là đưa tranh dân gian ra khỏi không gian được bảo tồn, để tranh hòa nhập vào đời sống sinh hoạt hằng ngày, trên đồ dùng mà ai cũng có thể sử dụng như: túi, sổ, quần áo, bookmark… Đó cũng là cách để kết nối giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giúp di sản đến gần hơn với người trẻ.
Tục thờ hổ trong văn hóa cổ Phương Đông
Bức tranh dân gian “Ngũ hổ” không chỉ dừng lại ở một tác phẩm hội họa nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ hổ bắt nguồn từ một cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp. Hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là mối họa đối với con người. Do đó, con người thờ hổ.
Để thổi hồn cho bức tranh, các nghệ nhân xưa đặc biệt chú ý phối màu khi vẽ tranh ngũ hổ. Màu sắc trong tranh cũng phải lộng lẫy, uy linh, giống với những bức tranh khác của dòng tranh Hàng Trống, ngũ hổ được tạo bởi bản in những nét màu đen, sau đó người thợ sẽ dùng bút lông để tô màu. 5 con hổ với những màu sắc khu biệt, rõ ràng nhưng lại rất uyển chuyển. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối khác nhau. Vì vậy, khi nhìn bức tranh ngũ hổ, người xem sẽ cảm nhận được những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong đặc biệt, những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất để bật chồm lên của những chúa sơn lâm. Những con mắt hổ hừng hực như nội lực của loài mãnh chúa. Việc bố trí màu sắc của từng con hổ xung quanh hổ vàng cũng không phải là vô tình. Nếu như trong tranh ngũ hổ của làng tranh Đông Hồ, màu sắc của 5 con hổ được bố trí theo quan hệ tương khắc, thì ngũ hổ của Hàng Trống lại thể hiện sự tương sinh giữa các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trên đầu hổ vàng, dưới mặt trời đỏ rực rỡ có 7 chấm trắng là hình tượng của chòm đại hùng tinh. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “pháp đại uy nỗ”. Hai bên hổ vàng: bên phải có 5 thanh kiếm, bên trái có 5 lá cờ lệnh. Hình ảnh của cờ lệnh và kiếm trong tranh ngũ hổ thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất.
Tuy nhiên, đến nay, nhu cầu con người thay đổi khiến dòng tranh dân gian này lùi dần về quá khứ. Gần đây, một số nghệ sĩ trẻ sử dụng những yếu tố của mỹ thuật cổ truyền làm chất liệu sáng tạo là một tín hiệu đáng mừng. Tại triển lãm mỹ thuật “Từ truyền thống đến truyền thống” diễn ra tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hà Nội), tranh “Ngũ hổ” của họa sĩ Xuân Lam lại là một thử nghiệm mới kết hợp giữa tranh dân gian và phù điêu ảnh: Kết hợp vẽ chì trên giấy cùng chất liệu in phun trên xốp thường được sử dụng trong ngành công nghiệp quảng cáo ngày nay, được thể hiện với 5 màu sắc đúng như nguyên mẫu.
Những bức tranh Ngũ hổ của Xuân Lam đã vượt khỏi khuôn khổ của những chiếc khung, bước gần đến công chúng thông qua hình thức thể hiện mới lạ, đem tranh dân gian gần hơn với đời sống, khẳng định sức sống trong dòng chảy văn hóa đương đại./.
Bằng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, qua ngũ hổ, các nghệ nhân muốn phản ánh những thông điệp huyền bí mang tín ngưỡng dân gian. Bức tranh hội đủ 5 sắc màu tượng trưng của ngũ hành, tương ứng với từng thế, dáng của hổ. Ngồi uy nghi giữa tranh là ông hổ màu vàng, xung quanh là 4 ông với 4 màu sắc khác nhau, đỏ, xanh, trắng, đen. Theo thuyết âm dương ngũ hành thì hành thổ là sự quy tàng của bốn hành kia trong chu kỳ vận động của Ngũ hành. Đó là nguyên nhân để hổ vàng đứng giữa và lớn hơn cả.
Theo Thu Hằng/Báo VOV
https://vov.vn/van-hoa/tranh-dan-gian-ngu-ho-voi-dien-mao-moi-post920662.vov