Cập nhật: 17/01/2023 08:01:00
Xem cỡ chữ

Nhiều năm qua, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều tổ chức “Tết sum vầy” để học sinh được tham gia các hoạt động gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cơm tất niên và chung vui các trò chơi dân gian. “Tết sum vầy” giúp học sinh thêm hiểu ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc, gắn kết tình cảm thầy cô với học trò và sự sẻ chia giữa trò với trò...

Bữa cơm tất niên của thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải được tổ chức đơn giản nhưng ấm áp, yêu thương.

 

Mường Nhé, huyện biên giới xa xôi nhiều gian khó của tỉnh Điện Biên, hầu hết các trường đều thuộc diện khó khăn; cuộc sống giáo viên cũng nhiều gian khó, thế nhưng với tình yêu thương học trò, các thầy, cô đã chăm lo chuẩn bị chương trình “Tết sum vầy” cho học sinh thân yêu. Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Trước thềm xuân, thầy, cô giáo các trường lại tất bật với việc chuẩn bị cành đào, lá dong, thực phẩm thiết yếu để thầy trò quây quần gói bánh chưng, làm bánh dày và mâm cơm tất niên. Kinh phí không có, chế độ hỗ trợ cũng không, do vậy các thầy, cô đều chủ động góp gạo, thịt hoặc xin thêm bạn bè, người thân ủng hộ để mâm cơm sum vầy thêm ấm cúng.

Là người có thời gian dài dạy học ở Mường Nhé và cũng nhiều năm ở lại ăn Tết cùng bà con các dân tộc Hà Nhì, H’Mông trên địa bàn, bởi thế thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải hiểu tường tận khó khăn, thiếu thốn của người dân và học sinh vùng cao biên giới. Với niềm mong muốn học trò nghèo có bữa cơm sum vầy ấm áp, người dân có thêm phần quà, 5 năm qua các thầy, cô giáo nhà trường đã không quản ngại kêu gọi, khớp nối xin hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức Tết ấm cho học sinh toàn trường.

“Tinh thần là mỗi thầy, cô chủ động ủng hộ, song nhà trường cũng khuyến khích cán bộ, giáo viên kêu gọi hỗ trợ giúp học sinh và nhân dân trên địa bàn đón Tết ấm áp, yên vui”, thầy Phạm Văn Khiêm chia sẻ. Vậy là những năm qua, học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải đều có bữa cơm tất niên sum vầy ấm áp. Cùng với đó, mỗi em còn được tặng một phần quà, gồm: bánh, kẹo, dầu ăn, mì ăn liền trị giá 150 nghìn đồng/phần. Năm nay, toàn trường có 243 học sinh ở bán trú, Ban Giám hiệu đã tính toán tổ chức bữa cơm tất niên cho các em vào buổi học cuối cùng.

Còn tiền quà (khoảng 20 triệu đồng) đã được các thầy, cô vận động từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ. “Dẫu không nhiều, song với người dân vùng biên viễn thì mỗi phần quà cũng đủ làm Tết thêm đủ đầy. Cũng qua đó, bà con các dân tộc H’Mông, Hà Nhì ở địa phương hiểu thêm ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam luôn thấm đượm tình người!”, thầy Khiêm tâm sự.

Thuận lợi hơn Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải và các trường học ở huyện Mường Nhé, do vậy ngoài bữa cơm tất niên sum vầy thì nhiều năm nay, thầy, trò Trường trung học cơ sở Núa Ngam (huyện Điện Biên) đều cùng nhau gói bánh, quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh chưng. Tất cả các công đoạn chuẩn bị lá, lạt, ngâm gạo, đãi đỗ, thái thịt làm nhân... cho đến khi vớt bánh, các em học sinh đều được thầy, cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ.

Thầy Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Núa Ngam chia sẻ: Giáo viên vừa là người hướng dẫn, vừa là người bạn đồng hành với học sinh thực hiện mọi công đoạn từ khâu chuẩn bị cho đến khi hình thành chiếc bánh. Mặc dù còn vụng về, song em nào cũng hào hứng, thích thú khi được tận tay rửa lá, gói chiếc bánh cho riêng mình. Đến tối, cả thầy và trò cùng trông nồi bánh chưng, rất ấm áp và vui vẻ. Để có thêm hoạt động trải nghiệm, sân chơi cho học sinh, trường còn tổ chức thi thời trang tự chế, đốt lửa trại trước khi học sinh về nhà đón Tết cùng gia đình.

Nhờ tấm lòng, tình thương yêu của thầy, cô dành tặng, sau mỗi lần tổ chức “Tết sum vầy” đã giúp nhiều học sinh hiểu thêm tình cảm của thầy, cô và ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc, từ đó các em hiểu hơn trách nhiệm bản thân, việc học hành của các em cũng dần có chuyển biến tốt hơn. Em Lò Văn Quang, học sinh Trường trung học cơ sở Núa Ngam cho biết, trước đây, những ngày cận Tết thì chúng em thường chểnh mảng việc học vì bạn nào cũng mong được về nhà. Tuy nhiên, mấy năm nay, được tham gia các hoạt động trải nghiệm “Tết sum vầy”, chúng em đã hiểu hơn ý nghĩa Tết; Tết là sẻ chia với thầy, cô giáo và bạn bè, đoàn tụ với cha mẹ, họ hàng... Năm nay, chúng em không bỏ học về nhà trước mà đợi mong thầy, cô tổ chức gói bánh, cho chúng em được tham gia các hoạt động vui xuân.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt cho biết, tình yêu thương của các thầy, cô dành cho học sinh qua những hoạt động thiết thực như chương trình “Tết sum vầy” đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để học trò nghèo vượt qua gian khó. Cũng nhờ sự góp sức của mỗi thầy, cô giáo mà mùa xuân trên biên giới, vùng cao thêm ấm áp, nghĩa tình...

Bài, ảnh: Lê Lan/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tet-sum-vay-cua-thay-tro-vung-cao-post735245.html