Cập nhật: 13/04/2023 17:10:00
Xem cỡ chữ

Hát Soọng cô là nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trải qua thời gian, do có sự giao thoa giữa các nền văn hóa, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này đã có nguy cơ bị mai một. Với quyết tâm không để những câu hát mang tâm hồn của dân tộc mình bị thất truyền, người dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù huyện Tam Đảo đã nỗ lực giữ gìn, bảo tồn để điệu hát Soọng cô vang mãi. Góp công đầu trong việc này là Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Xuân Thu, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.

Soọng cô của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc là loại hình trình diễn dân gian đặc sắc ra đời trong lao động, sản xuất và sinh hoạt được cộng đồng người Sán Dìu gìn giữ cho đến ngày nay. Ông Thu là một cán bộ về nghỉ hưu, ông kể cả gia đình đều đam mê hát Soọng cô, từ thuở nằm nôi, ông đã được bố mẹ ru bằng câu hát Soọng cô. Lúc lẫm chẫm tập đi, khi bi bô học nói, ông được bố mẹ dạy hát đồng dao. Thời son trẻ ông cùng các anh, chị trong làng đến các thôn, bản có đồng bào dân tộc Sán Dìu hát giao duyên. Những cuộc hát Soọng cô của ông và các bạn kéo dài hết thôn bản này sang thôn bản khác, ông không nhớ nổi mình đã đi hát bao nhiêu cuộc như vậy. Lo lắng bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình sẽ bị thất truyền, ông cùng các cụ cao niên trong xã đã đứng ra vận động những người biết hát trong làng thường xuyên tổ chức hát giao lưu với các địa phương khác. Đồng thời, quyết tâm thành lập CLB hát Soọng cô ngay tại địa phương. Và rồi, khi những làn điệu Soọng cô lan tỏa khắp các thôn, bản thì CLB hát Soọng cô của thôn Đồng Giếng cũng chính thức ra đời năm 2011.

Khi mới thành lập, nhiều người còn bỡ ngỡ về lời hát và nhịp phách. Nhưng rồi mọi người được ông Thu hướng dẫn thuần thục, dần dần biết hát và hát hay hơn.Ông Thu không chỉ thuộc lòng nhiều ca từ, mà còn là chủ sở hữu của những cuốn sách do các cụ ghi chép lại về phong tục tập quán và câu hát ví bằng chữ Hán cổ. Ông thường cặm cụi đọc lời bài hát bằng chữ Hán, rồi chép lại trên trang vở bằng tiếng dân tộc Sán Dìu. Đến nay, ông còn lưu giữ được hơn 1.000 bài hát Soọng cô và đang mang toàn bộ vốn liếng dân gian nắm giữ được để thực hành, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Các bài hát ru, hát đối đáp, giao duyên, chào hỏi; hát mời khách, tiễn khách… với cách ví von rất ý nhị nhưng tình tứ và lãng mạn của làn điệu Soọng cô đã nói lên tâm tư, tình cảm của người hát. Tham gia CLB, mỗi thành viên thấy gần gũi và hiểu nhau hơn. Qua đó, còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

Ghi nhận những đóng góp của ông Hoàng Xuân Thu, ông đã được phong tặng Nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó trong CLB hát Soọng cô còn có Nghệ nhân ưu tú Lê Đại Năm- người có công sưu tầm và truyền dạy làn điệu Sọng cô cho các thế hệ người dân Sán Dìu. Các nghệ nhân đã cùng với CLB luôn chú trọng đến việc phát triển hội viên mới. Đến nay, CLB đã có trên 30 hội viên, trong đó, người nhiều tuổi nhất gần 80 tuổi, người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 5 tuổi. Cháu Đào Vân Anh là thành viên nhỏ tuổi nhất, mỗi khi đến CLB sinh hoạt, cháu còn được học đọc và viết rất nhiều chữ Sán Dìu. Qua đó, cháu đã hiểu được những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong những câu hát Soọng cô luôn hướng con người đến điều thiện, sống có ích, biết yêu thương mọi người.

Với những nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sọng Cô trên địa bàn huyện Tam Đảo, còn sức khỏe, còn có thể hát thì phải cố gắng hết sức để truyền dạy những gì tinh túy nhất của làn điệu dân ca của dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, họ cũng luôn trăn trở việc truyền dạy cho các thành viên trẻ khá vất vả bởi là người dân tộc nhưng nhiều cháu hiện không biết nói tiếng Sán Dìu. Vì vậy, để hát được tròn vành rõ tiếng, rồi chỉnh sửa từng lỗi nhỏ trong câu hát, nhịp phách không hề đơn giản.

Đắm đuối, say mê và cống hiến hết mình cho nghệ thuật dân tộc, các nghệ nhân ưu tú chỉ mong muốn được lưu giữ một phần hồn cốt của dân tộc mình cho thế hệ mai sau để bản sắc văn hóa của dân tộc Sán Dìu luôn còn đậm đà trong mỗi con người, mỗi nếp nhà. Cũng thật may mắn khi Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên đi đầu trong việc triển khai thí điểm xây dựng “làng văn hóa kiểu mẫu”. Đây giống như giấc mơ của những nghệ nhân ưu tú bởi họ có nhà văn hóa để lưu giữ những bộ trang phục truyền thống, có nơi trình diễn, có cơ sở vật chất để truyền dạy. Từ đó, cũng cho thấy sự ghi nhận của người dân, của chính quyền địa phương đối với những nghệ nhân trong công tác truyền dạy vốn di sản trong cộng đồng, bảo tồn, và phát huy giá trị làn điệu soọng cô./.

Thùy Chung